Chính sách cử tuyển góp phần tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Theo Báo cáo của Hội đồng Dân tộc, từ năm 1990 đến nay, công tác cử tuyển đã thu được những kết quả tương đối tốt, đã có hàng chục ngàn học sinh dân tộc được đào tạo cơ bản, đạt trình độ đại học, cao đẳng; bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong giai đoạn 2006 – 2011 đã đào tạo được 12.812 học sinh (trong đó 10.560 người có trình độ đại học và 2.252 có trình độ cao đẳng). Giai đoạn này hầu hết số học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp đều được bố trí việc làm. Giai đoạn 2011 – 2017 có 8.681 học sinh học cử tuyển. Trong đó, số lượng sinh viên đã tốt nghiệp là 4.517; số còn lại đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu trình bày Báo cáo tại Phiên họp
Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và núi thông qua ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, chính sách như chính sách đào tạo cử tuyển. Nhờ có chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, các trường phổ thông dân tộc nội trú, chính sách cử tuyển trong suốt thời gian vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo đã tạo nguồn và đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc đáp ứng nhu cầu của Đảng, Nhà nước và vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Báo cáo chỉ rõ: Chính sách cử tuyển đã góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp tỉnh, huyện, xã là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Còn tồn tại hạn chế, bất cập trong chính sách cử tuyển, nhất là chất lượng đầu vào, việc đào tạo và bố trí việc làm
Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy bên cạnh kết quả đạt được thì trong những năm gần đây công tác cử tuyển còn tồn tại, bất cập như: Trong tổng số 4.517 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển mới bố trí được việc làm cho 1.663 người (chỉ đạt tỷ lệ 36,15%); đồng thời nhu cầu tuyển sinh cử tuyển của các địa phương có xu hướng giảm mạnh, nhiều tỉnh từ năm 2015 đến nay đã không còn đăng ký chỉ tiêu cử tuyển: Năm 2017 chỉ còn 8 tỉnh có nhu cầu đào tạo cử tuyển với số lượng ít (78 chỉ tiêu đại học), không tỉnh nào có nhu cầu đào tạo cử tuyển cao đẳng và trung cấp.
ĐBQH Sần Sín Sỉnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu tại Phiên họp
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương nên đề xuất chỉ tiêu cử tuyển vượt quá nhu cầu, mất cân đối ngành nghề, trình độ đào tạo; đầu vào tuyển sinh thấp, chất lượng đào tạo không cao, dẫn đến số lượng lớn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử tuyển chưa được bố trí việc làm, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh có thực hiện chính sách cử tuyển.
Quan tâm đào tạo cử tuyển theo hướng nhằm mục đích nâng cao nhân lực có chất lượng cao
Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì chính sách cử tuyển hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyển sinh cử tuyển chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, đặc biệt chưa phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đầu vào cử tuyển, dẫn đến chất lượng đào tạo cử tuyển thấp, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc không đủ khả năng thi tuyển, xét tuyển vào công chức, viên chức mặc dù có được hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên theo quy định.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê phát biểu tại Phiên họp
Đề xuất một số giải pháp về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng cần tiến hành đánh giá, tổng kết công tác này và quan tâm đào tạo cử tuyển theo hướng nhằm mục đích nâng cao nhân lực có chất lượng cao cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc rất ít người chưa có cán bộ hoặc rất ít cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng. Trong đào tạo dự bị đại học cần đánh toàn diện hình thức đào tạo này từ công tác tuyển sinh (địa bàn, đối tượng), mục tiêu, chất lượng, hiệu quả đào tạo để có điều chỉnh kịp thời.../.