Để bảo đảm tinh thần của Hiến pháp trong dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), tôi đề nghị tiếp tục rà soát và cụ thể hóa thêm một số nội dung:
Một là trách nhiệm của UBTVQH vừa hướng dẫn, vừa giám sát hoạt động của HĐND. Đây là một nhánh quyền lực, chúng ta song hành với hoạt động của Chính phủ. Nhiệm vụ này, tôi còn nhớ trong Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính phủ chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của HĐND, còn UBTVQH thì giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND. Như vậy, đối với HĐND các cấp thì Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra theo ngạch hành chính là cấp trên đối với cấp dưới còn UBTVQH, theo hệ thống cơ quan dân cử là hướng dẫn và giám sát. Dự thảo Luật đã ghi trong trách nhiệm của UBTVQH về giám sát nhưng giám sát những vấn đề gì thì có lẽ chưa cụ thể được. Theo tôi, ghi nguyên tắc như thế cũng là được, nhưng nhiệm vụ hướng dẫn đối với HĐND thì chưa nêu. Cần tính thêm vấn đề này. UBTQVH hướng dẫn đối với HĐND thì cụ thể là như thế nào? Có phải hướng dẫn này nằm trong khâu giải thích pháp luật hay không? Theo tôi, hai vấn đề này khác nhau. Tôi đang lo, có lẽ ở đây, chúng ta đang cho vào nhóm giải thích pháp luật có địa chỉ là có cả đối với chính quyền địa phương, coi đó đã là thể hiện vai trò hướng dẫn đối với HĐND của UBTVQH rồi. Như vậy là không đúng. Hướng dẫn ở đây là hướng dẫn hoạt động của cơ quan dân cử, kể cả hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm... Đó thực sự là quyền lực. Thực tế quá trình vừa rồi chúng ta chưa làm được một cách chắc chắn, mới chỉ ký phê chuẩn chức Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên thường trực HĐND. Dự phiên họp nào, ai đi, bây giờ mình mới đang gióng vậy, thực tế chưa vào vai trò hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND. Tôi đề nghị có lẽ phải nghiên cứu thêm, kể cả cơ sở lý luận và thực tiễn nội dung này. Tôi cho rằng, đây là một tư duy, một bước phát triển rất mới trong Hiến pháp năm 2013 đối với chính quyền địa phương.
Hai là, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đây là vấn đề cần phải được tiếp tục thảo luận và nghiên cứu kỹ. Chúng ta dành thời gian để nghiên cứu từng câu chữ nhưng không phải chỉ là câu chữ, nó còn phải thể hiện được tinh thần hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là hoạt động của QH. Hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thực chất chính là hoạt động của QH. Bởi vì thông qua Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban từ việc thẩm tra, giám sát, kiến nghị sẽ thực hiện các chức năng của QH về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng luật hay giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật.
Ba là, có nâng các Ban của UBTVQH lên thành Ủy ban hay không? Ví dụ Ban Dân nguyện, tôi thấy công tác dân nguyện là hoạt động của QH mấy chục năm, bản thân công tác dân nguyện đã gắn với hoạt động của QH, tự thân hoạt động của QH đã có công tác dân nguyện. Cơ cấu, tổ chức có lẽ phải tính kỹ. Đã là Ủy ban Dân nguyện thì phải như các cơ quan khác, tức là cơ cấu Ủy ban này phải có khoảng từ 30 - 40 ĐBQH tham gia. Đây là một trong những cơ quan chuyên môn, còn cơ cấu người đứng đầu là Ủy viên Đảng đoàn QH và Ủy viên UBTVQH. Theo tôi, dù chưa được nâng lên thành Ủy ban thì phải ghi cơ cấu tổ chức trong Luật, đó là, người đứng đầu các cơ quan này là ĐBQH, là Ủy viên UBTVQH, còn cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Ủy ban này sẽ do UBTVQH giao. Nếu ghi được người đứng đầu thì rõ hơn và đúng tầm.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Đồng ý tăng cường vai trò, vị trí của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban nhưng cần tính thêm về cơ chế hoạt động
Tôi đồng ý phải tăng cường vai trò, vị trí của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Nhưng cơ chế như thế nào? Ví dụ bây giờ Ủy ban thẩm tra luật thấy rằng chưa đủ chất lượng và điều kiện để trình ra QH được nhưng phải báo cáo ra UBTVQH. Ủy ban này đề nghị dự án luật này không đưa ra QH, Ủy ban kia đề nghị dự án luật kia cũng chưa đủ điều kiện thì vai trò của UBTVQH - cơ quan thường trực của QH giữa hai Kỳ họp QH như thế nào? Tôi thấy, vẫn cần thiết nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban là đúng. Theo tinh thần Hiến pháp, luật này phải thể hiện. Nhưng phải có cơ chế hoạt động. Anh được quyền đề nghị đưa ra khỏi chương trình kỳ họp nếu trong quá trình thẩm tra thấy một dự án luật chưa bảo đảm điều kiện và chất lượng nhưng phải báo cáo ra UBTVQH để UBTVQH điều chỉnh chương trình kỳ họp, lần này cái nào đưa vào, cái nào đưa ra.
Có nên quy định UBTVQH chỉ quyết nội dung giám sát còn thành lập Đoàn giám sát là do các Ủy ban hay không? Tôi nghĩ nội dung giám sát là do các Ủy ban đề xuất, không phải là do UBTVQH chỉ đạo. Các Ủy ban trong hoạt động của mình mới biết lĩnh vực nào cần giám sát để đề xuất. Việc đề xuất cũng là báo cáo UBTVQH để điều hòa Ủy ban này làm cái này, Ủy ban kia làm cái kia nhưng có liên quan đến nội dung của Ủy ban này thì bắt đầu điều hòa, điều phối lại với nhau. Tôi thấy cần thiết chứ không nên bỏ cơ chế này.
Về Ban Dân nguyện, nếu nâng lên thành Ủy ban Dân nguyện thì Ủy ban này phải thực hiện được ba chức năng của QH. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải do Ủy ban này báo cáo trước QH chứ không phải là Mặt trận Tổ quốc. Phải đúng tinh thần của Hiến pháp và luật. Ủy ban này cũng có thể thực hiện chức năng giám sát nhưng không thể giám sát lĩnh vực của các Ủy ban khác được. Ví dụ, chính sách giảm nghèo thì làm sao Ủy ban này đi giám sát được, đó là lĩnh vực của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Hay giám sát tái cơ cấu đầu tư công thì thuộc lĩnh vực của Ủy ban Kinh tế; giám sát về chính sách dân tộc đã có Hội đồng Dân tộc; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục, về văn hóa đã có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục... Lĩnh vực mà Ủy ban Dân nguyện giám sát được là giám sát việc tổ chức thực hiện mối liên hệ giữa ĐBQH với cử tri, tiếp xúc cử tri thế nào, giải quyết kiến nghị của cử tri thế nào, hoàn toàn là chức năng của anh, anh có thể giám sát được. Đúng là bây giờ còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi đề nghị trong này nên trình ra QH đúng theo bản chất của việc này: có chủ trương, cho nghiên cứu; quá trình trình QH cho ý kiến lần đầu có bao nhiêu ý kiến của ĐBQH, sau khi tiếp thu, hội thảo chuyên gia thấy còn nhiều ý kiến khác nhau xin trình QH cho ý kiến lần nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban như thế nào thì cơ cấu phải phù hợp
Tôi quan tâm đến vấn đề tổ chức, hoạt động của các Ủy ban. Chúng ta thấy ĐBQH là trung tâm, còn hoạt động của các cơ quan của QH có thể nói là nòng cốt để nâng cao chất lượng hoạt động của QH và bảo đảm hoạt động của QH có thành công hay không. Báo cáo ở đây gọi là công xưởng, trong đó có vai trò các Ủy ban. Nếu chúng ta quy định theo hướng ĐBQH chuyên trách tăng lên, thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần được xác định rõ hơn thì có mấy vấn đề cần phải làm rõ.
Thứ nhất, về mặt tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Trước đây về mặt tổ chức, xác định số các Ủy ban, tổ chức ra Ủy ban nào thì ghi rõ trong luật, Chủ nhiệm các Ủy ban do QH bầu. Nhưng từ Phó chủ nhiệm các Ủy ban trở xuống và chuyên trách do UBTVQH quyết định. Vậy quy trình, trình tự, thủ tục đối với việc này thì ai làm, làm như thế nào để quyết định việc này?
Thứ hai, số lượng, cơ cấu của các Ủy ban phải được xác định trong Luật này. Vừa rồi chúng ta làm theo phong trào, anh nào thích vào cơ quan nào hoặc thích chọn anh nào vào cho nên dồn tất cả lãnh đạo vào Ủy ban Đối ngoại. Anh Hằng không họp được vì toàn Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh ngồi ở đó nên không họp được. Bên Ủy ban chúng tôi, tại sao quân đội, công an dồn hết vào đây? Ủy ban Quốc phòng và An ninh không có nghĩa là dùng quân đội và công an tất. Chúng tôi chỉ cần 50% tổng số thành viên là quân đội, công an. Nếu quân đội, công an vào Ủy ban chúng tôi thì khó hoạt động chứ không phải là dễ hoạt động. Cơ cấu, thành phần, số lượng của các Ủy ban liên quan đến ĐBQH. Chúng ta quy định cơ chế ĐBQH có quyền hoạt động, tham gia các Ủy ban, nhưng anh được tham gia 1 hay nhiều Ủy ban? Các nước là một anh được tham gia nhiều Ủy ban. Nhưng tùy thuộc vào việc quy định số lượng của từng Ủy ban đó và cơ cấu thành phần Ủy ban đó, hoặc quy định nguyên tắc để cơ quan đó có thể làm. Tôi cho rằng, cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Ủy ban là rất quan trọng. Chức năng, nhiệm vụ như thế nào thì cơ cấu phải phù hợp. Số lượng như chị Trương Thị Mai vừa nói, người thì bảo 30, người lại bảo 34, không rõ như thế nào, thậm chí có thể chọn 20 người cũng được, không ai có ý kiến gì. Về mặt tổ chức các Ủy ban, tôi đề nghị chúng ta phải nghiên cứu, phải quy định vào trong luật này để khi chúng ta tiến hành kể cả việc quy trình, các nội dung cho phù hợp.
Thứ ba, tăng thêm thẩm quyền của các Ủy ban. Tôi đề nghị, đây là vấn đề hết sức quan trọng để các Ủy ban hoạt động theo chức năng thẩm tra, chức năng giám sát và chức năng kiến nghị các chính sách. Một là, quyền của Ủy ban họp để thẩm tra. Tôi thấy khi đọc Báo cáo thẩm tra, khi chúng ta thẩm tra dự án luật, thẩm tra một nội dung nào đó, ý kiến của Ủy ban thẩm tra so với ý kiến của Chính phủ hay với cơ quan này, với cơ quan khác không được phân định rõ ràng xem ai là người quyết định. Chúng ta cứ đa số ý kiến, một số ý kiến, anh nào hiểu thế nào phát biểu, sau đó UBTVQH giải trình, quyết định, rất khó khăn. Ví dụ như Luật Sỹ quan quân đội nhân dân vừa rồi, rất nhiều ý kiến khác nhau. Vậy ai là người đứng ra để quyết định vấn đề này? Tất nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về QH. Nhưng vai trò quyết định thẩm tra rất quan trọng, bởi vì có những lĩnh vực không phải ĐBQH nào cũng biết, đại biểu phải dựa vào ý kiến của Ủy ban thẩm tra để xác định xem quy định đó là như thế nào. Sau này chính UBTVQH giải trình để tạo điều kiện cho ĐBQH có căn cứ quyết định. Tôi thấy vai trò, thẩm quyền của cơ quan của QH trong quá trình thẩm tra và vai trò giúp cho UBTVQH giải trình trước QH những vấn đề liên quan đến luật, nghị quyết là hết sức quan trọng. Người quyết định là QH, nhưng vai trò của các cơ quan của QH cũng hết sức quan trọng. Hai là, thẩm quyền của các cơ quan của QH trong quá trình giám sát. Chúng ta đi giám sát rất nhiều và cũng đưa ra kiến nghị rất nhiều, rất quan trọng. Có những nội dung ảnh hưởng trực tiếp mà dư luận nhân dân đặt vấn đề và những nội dung hết sức quan trọng thì Chính phủ lắng nghe. Còn đại đa số, các Ủy ban đưa ra kiến nghị nhưng không có hệ quả ra sao, kết luận như thế nào, tác động và hiệu quả giám sát chưa cao. Tôi cho rằng phải có chế tài rõ ràng trong Luật đối với vấn đề này. Ba là, về phiên giải trình của các Ủy ban. Dự thảo Luật ghép giải trình vào cùng nội dung thông tin yêu cầu báo cáo giải trình, cung cấp tài liệu, cử thành viên để xem xét xác minh.... Tôi cho rằng, giải trình là hoạt động quan trọng và phải xác định rõ địa vị pháp lý của phiên giải trình là gì, là hoạt động giám sát hay hoạt động để nghe báo cáo, lấy thông tin. Các nước gọi là điều trần, nhưng ta không gọi là điều trần, mà gọi là giải trình. Điều trần ở các nước rất quan trọng, trong điều trần là người ta có thể quyết định ngay một chính sách nào đó. Hoặc kết quả điều trần phải được chuyển đến như một phiên chất vấn hoặc hoạt động giám sát. Ghi như dự thảo Luật thì phiên giải trình không hiểu là phiên gì và không rõ vị trí của một phiên giải trình của một Ủy ban là như thế nào.
Thứ tư, mối quan hệ của Ủy ban với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan trong QH. Ví dụ, Ủy ban của QH với Đoàn ĐBQH các địa phương có quan hệ gì không? Ủy ban là một cơ quan của QH. Đoàn ĐBQH với tư cách là nơi tổ chức cho hoạt động của QH ở địa phương. Khi Ủy ban xuống địa phương thì mối quan hệ giữa hai ông này như thế nào? Tôi cho rằng, phải nêu cho rõ mối quan hệ này để xác định trách nhiệm của các Đoàn ĐBQH khi UBTVQH hay Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình trên địa bàn. Trong mối quan hệ công tác cũng thế, rất nhiều nội dung cần phải trao đổi với nhau, liên quan đến nhau, có khi chúng tôi không cần phải đi xuống địa phương, đi xuống nhiều quá cũng không tốt thì Đoàn ĐBQH địa phương đó có thể cung cấp thông tin cho chúng tôi. Chúng ta không có mối quan hệ này. Tôi đề nghị, Ủy ban của QH với Đoàn ĐBQH địa phương phải có mối quan hệ rõ ràng.