TĂNG CƯỜNG ĐÔN ĐỐC, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN TẠI CÁC PHIÊN GIẢI TRÌNH

10/08/2023

Cho rằng “Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của phiên giải trình” có vai trò đặc biệt quan trọng, phản ảnh hiệu quả của toàn bộ hoạt động của một phiên giải trình, TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất, cần tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận tại các phiên giải trình.

PHÁT HUY VAI TRÒ CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI

Việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Mục đích của phiên giải trình là nhằm đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung các giải pháp để giải quyết nhanh chóng những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội đòi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sớm giải quyết. Các cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. 

Nâng cao chất lượng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, việc giải trình tại các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đã được thực hiện và dần được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, hiệu quả…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, định hướng lâu dài cần tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại cuộc họp giao ban đầu năm 2023 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban đầu năm 2023 của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, định hướng lâu dài là cần tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bởi hoạt động chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn, phạm vi rộng, trong khi đó hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rất linh hoạt, khi phát sinh vấn đề nóng, nổi cộm có thể tổ chức điều trần, giải trình ngay.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận tại các phiên giải trình

Tổ chức hoạt động giải trình những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách là hình thức giám sát thứ 4 trong 6 hình thức giám sát của Hội đồng và Ủy ban.  Theo nội dung Điều 43 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (số 87/2015/QH13, ngày 20-11-2015), hoạt động giải trình có 6 giai đoạn: Thu thập và quyết định nội dung những vấn đề cần giải trình; Kế hoạch tổ chức phiên giải trình; Tiến hành tổ chức phiên giải trình; Trình tự thực hiện phiên giải trình; Kết luận về những vấn đề đã được giải trình; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của phiên giải trình.

Theo TS.Bùi Ngọc Thanh,  nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, mỗi công đoạn có vai trò quan trọng khác nhau, trong đó hai công đoạn cuối “Kết luận về những vấn đề đã được giải trình” và “Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của phiên giải trình” có vai trò đặc biệt quan trọng, phản ảnh hiệu quả của toàn bộ hoạt động của một phiên giải trình và vấn đề được giải trình. Nếu kết luận đúng đắn và thực hiện tốt kết luận, chính là thúc đẩy vấn đề được giải trình phát triển lành mạnh, đem lại kết quả tốt hơn.

TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Để có kết luận đúng đắn, đầy đủ, toàn diện thì trong phiên giải trình, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, tất cả các thành viên tham dự cần phát biểu thắng thắn, khách quan, trung thực, đầy đủ ý kiến của mình. Rất cần các thành viên tham dự giải trình trao đổi, lật đi, lật lại các khía cạnh, nhiều chiều, nhiều bên để tiếp cận đến thực tiễn của vấn đề đang được giải trình. Các ý kiến càng phong phú càng tốt. Chủ tọa và thư ký phiên giải trình phải tập trung tư tưởng ghi chép, có thể ghi âm để lĩnh hội đầy đủ, chi tiết, chính xác các ý kiến phát biểu...

Theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, nội dung kết luận các phiên giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần bám sát các nội dung: Tổng số người tham dự phiên giải trình (% so với kế hoạch mời người tham dự giải trình); người được giải trình đã làm rõ trách nhiệm của mình về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong vấn đề được giải trình theo yêu cầu chưa; trong phiên giải trình đã có bao nhiêu lượt ý kiến phát biểu sau khi nghe người giải trình báo cáo; phân loại các ý kiến về nội dung cơ bản (bao nhiêu ý kiến cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình; bao nhiêu ý kiến cơ bản chưa đồng tình; và bao nhiêu ý kiến có nội dung đồng tình, có nội dung chưa đồng tình); có bao nhiêu kiến nghị trong các ý kiến phát biểu, tóm tắt các kiến nghị.

Đặc biệt, trên cơ sở các thông tin trên rút ra cần đảm bảo các kết luận tại các Phiên giải trình cần phải được thực hiện nghiêm túc. Có thể phân loại về thời gian thực hiện: những kiến nghị phải thực hiện ngay (đối với những vấn đề bức xúc, “nóng” như khan hiếm xăng, dầu; thực phẩm không an toàn gây chết người; giá điện, thừa thiếu điện...); những vấn đề thực hiện trong 6 tháng đến một năm (là những vấn đề trung hạn như học phí, sách giáo khoa, giải ngân đầu tư công...); những vấn đề phải có thời gian thực hiện trên một năm (như khắc phục các hậu quả của biến đổi khí hậu, xử lý cơ bản ách tắc giao thông...)...

Đồng thời, cần phải quy định tiến độ báo cáo đối với người đã giải trình theo thời gian từng loại vấn đề đã được giải trình. Tất cả các vấn đề đã được giải trình cần được thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội hiện tại (tránh tình trạng né tránh, dây dưa, đẩy sang nhiệm kỳ sau).

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan giải trình báo cáo phải theo đúng tiến độ đã kết luận; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên đôn đốc (có thể bằng văn bản, có thể thông tin bằng các phương tiện khac, tránh tình trạng rơi vào im lặng, sau giải trình coi như xong)./.                                                       

Thu Phương

Các bài viết khác