GÓP Ý DỰ THẢO ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023 VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

09/11/2022

Để chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023, sáng 9/11, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức Hội thảo tham vấn về “Công tác chuẩn bị giám sát của Quốc hội năm 2023; một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phải triển khai kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

UBTVQH SẼ CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MN

THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT - XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS & MN

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành dự và chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành hoan nghênh tinh thần của các đại biểu, chuyên gia đã quan tâm góp ý, chia sẻ ý kiến, bởi giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là một trong những nội dung trọng tâm của Quốc hội trong năm 2023, nhất là việc thực hiên các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại hội thảo

Từ thực trạng của đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, quan trọng làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG, điển hình là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN.

Đoàn giám sát đợt này cần chỉ ra 3 vấn đề rất quan trọng:

Thứ nhất, cần đánh giá kết quả, vướng mắc, nguyên nhân của các CTMTQG. Đến nay tỉ lệ giải ngân của các chương trình rất thấp. Do vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, giám sát đợt này tập trung vào đánh giá chính sách là chủ yếu, kết quả thực hiện các CTMTQG của địa phương sẽ là minh họa, làm rõ thêm cho các vấn đề về cơ chế.

Thứ hai, cần phân tích, đánh giá về chỉ đạo, điều hành giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương về 3 CTMTQG.

Thứ ba, đánh giá việc tổ chức thực hiện ở các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, trong 3 CTMTQG thì nặng nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay Chương trình này chưa được tiếp thu đầy đủ nên dẫn đến vướng mắc, chậm triển khai. Còn 2 Chương trình nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đã có nền tảng thực hiện nhưng còn sự trùng lắp về địa bàn, chính sách, nội dung thực hiện và sự phối hợp thực hiện 2 Chương trình.

Vấn đề đặt ra là thiết kế 3 CTMTQG này theo hướng như thế nào? Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần thống nhất quan điểm việc phân định vùng DTTSMN theo trình độ phát triển thì chỉ áp dụng CTMTQG liên quan đến đầu tư hạ tầng, còn các chính sách liên quan y tế, giáo dục thì phân định theo miền núi, vùng cao. Do đó, thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần phải tiến hành phân định lại miền núi vùng cao, phân định lại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua giám sát đợt này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành hy vọng giải quyết được ngay các vướng mắc của 3 CTMTQG trong giai đoạn còn lai và đề xuất cho giai đoạn tiếp theo 2026-2031. Đồng thời mong muốn các đại biểu, chuyên gia đóng góp cho các nội dung của Dự thảo Đề cương giám sát.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lê Thị Nguyệt góp ý tại hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu góp ý, chỉ rõ một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

TS.Đặng Đình Ngọc, chuyên gia chính sách của tổ chức Care International Việt Nam đề cập đến tình trạng chậm triển khai Quyết định 1719. TS Đặng Đình Ngọc cho rằng, ở cấp Trung ương, các văn bản quan trọng chậm được ban hành. Từ khi có Quyết định 1719 đến khi có Thông tư 02/2022/TT-UBDT phải mất đến 8 tháng 16 ngày nhưng các cơ chế, hướng dẫn thực hiện từ Trung ương theo Quyết định 1719 vẫn còn chưa đồng bộ. Ở cấp địa phương, nhiều tình còn chưa ban hành các Nghị quyết, quyết định theo thẩm quyền. Tỷ lệ giải ngân theo Quyết định 1719 rất thấp. Tính đến 31/10/2022, tốc độ giải ngân của các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW là 3,89%. Chỉ có 10 tỉnh trong tổng số 46 tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW đã giải ngân được một số hoạt động.

Bên cạnh đó, TS.Đặng Đình Ngọc cũng chỉ ra ảnh hưởng của việc chậm triển khai theo Quyết định 1719 tác động đến công tác chỉ đạo điều hành của địa phương cấp tỉnh, huyện, xã. Các văn bản hướng dẫn nhiều, chậm, muộn, thiếu và chưa rõ… dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành các lĩnh vực khác ở địa phương bị ảnh hưởng. Đồng thời hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, trong khi thời điểm giao vốn cho địa phương muộn, áp lực yêu cầu giải ngân rất lớn, có thể dẫn đến chất lượng thực hiện hoạt động bị ảnh hưởng và nhiều hệ lụy về công tác cán bộ.

Cũng tại hội thảo, nhằm chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023, các đại biểu nghe Dự thảo Đề cương Báo cáo giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Đề cương gồm 3 phần: Phần 1 nêu về công tác chỉ đạo, điều hành chung các Chương trình MTQG; Phần 2 về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc họi về các Chương trình MTQG; Phần 3 về giải pháp, kiến nghị thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG.

Thào luận về nội dung này, đa số các đại biểu đồng tình với Dự thảo Đề cương Báo cáo giám sát chuyên đề và cho rằng đây là nội dung rất quan trọng của Quốc hội trong năm 2023 cần tập trung triển khai thực hiện.

Góp ý Đề cương Báo cáo giám sát, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt, ĐBQH khóa XIII, XIV cơ bản đồng tình với các nội dung của Đề cương Báo cáo giám sát này, đề nghị cần tham mưu, tính toán tổ chức bộ máy, bám sát tiến độ và thời gian. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, 3 Chương trình MTQG này cần chỉ ra vướng mắc ở đâu, các Chương trình còn trùng lắp, do đó tiêu chí ở các chương trình cần rõ ràng, phân tách các chỉ tiêu và chi số để tổng hợp Báo cáo, đồng thời cần phân tách các số liệu về giới và đối tượng yếu thế.

Về đánh giá chung và kiến nghị, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, sau khi giám sát xong thì cần chỉ ra hệ thống văn bản pháp luật của Chính phủ, của các địa phương và của bộ ngành như thế nào để rút ra kết luận giám sát.

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình cho rằng, đây là nội dung khó vì giám sát cả 3 CTMTQG. Đồng thời khẳng định Hội thảo tham vấn này rất cần thiết để các chuyên gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề cương báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội và góp ý những phát hiện về việc chậm triển khai các CTMTQG. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Báo cáo Đề cương giám sát này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.

Quang cảnh hội thảo

Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề cương báo cáo giám sát, TS.Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình với nhiều nội dung được trình bày tại Hội thảo. TS.Đặng Đình Luyến nêu rõ, đến nay việc triển khai Chương trình MTQG còn rất chậm. Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2030 đã quy định rõ nội dung, kế hoạch, thời gian cho Chính phủ, bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên sau gần một năm, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 để triển khai thực hiện Chương trình là quá muộn.

TS.Đặng Đình Luyến nhận thấy, tiêu chuẩn định mức, phân bổ ngân sách cho các địa phương không rõ ràng. Việc triển khai phân bổ vốn cũng quá chậm, dẫn tới phân bổ không đồng đều và bất cập, hiện có địa phương chưa nhận được nguồn vốn này.

Đồng thời đề nghị cần xem xét, đánh giá và làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong việc chủ trì, chỉ đạo và phân công các bộ ngành, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào. Đi liền với đó, vai trò trách nhiệm của Quốc hội như thế nào trong việc yêu cầu Chính phủ và các bộ ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Về dự thảo Đề cương báo cáo giám sát, TS. Đặng Đình Luyến đồng tình với dự thảo Đề cương này, đề nghị cần chỉ rõ phạm vi giám sát. So với trước đây, phương thức giám sát có cải tiến. Thời gian giám sát, gấp vì vậy từ nay đến cuối năm, TS.Đặng Đình Luyến đề nghị Quốc hội cần đốc thúc Chính phủ và các bộ ngành tập trung triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia kiến nghị cần rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG rất chậm, đề nghị đánh giá tác động việc thiết kế Chương trình, đánh giá lại các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình để việc thực hiện khả thi và hiệu quả, đồng thời đánh giá kỹ về cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp thực hiện.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại hội thảo:

Quang cảnh hội thảo tham vấn về “Công tác chuẩn bị giám sát của Quốc hội năm 2023; một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phải triển khai kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành dự và chỉ đạo Hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình cho rằng, đây là nội dung khó vì giám sát cả 3 CTMTQG. Đồng thời khẳng định Hội thảo tham vấn này rất cần thiết để các chuyên gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề cương báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội và góp ý những phát hiện về việc chậm triển khai các CTMTQG. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Báo cáo Đề cương giám sát này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, 3 Chương trình MTQG này cần chỉ ra vướng mắc ở đâu, các Chương trình còn trùng lắp, do đó tiêu chí ở các chương trình cần rõ ràng, phân tách các chỉ tiêu và chi số để tổng hợp Báo cáo, đồng thời cần phân tách các số liệu về giới và đối tượng yếu thế.

Đại diện huyện Mường Khương đã chia sẻ những khó khăn, vương mắc khi triển khai thực hiện Quyết định 1719 trên địa bàn huyện Mường Khương.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dương - Điều phối mạng lưới gồm 14 tổ chức làm về dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc về triển khai Dự án 7 liên quan đến việc phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào DTTSMN.

Ông Nguyễn Hải Hữu đề nghị cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG rất chậm, đồng thời đề nghị đánh giá tác động việc thiết kế Chương trình, đánh giá lại mục tiêu và chỉ tiêu.

Chuyên gia cho rằng Báo cáo giám sát cơ bản phải bám sát được Nghị quyết của Quốc hội, nêu ra được mục tiêu đến năm 2025 và việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu này cần được chú trọng. Hiện Dự thảo Báo cáo không đề cập đến vấn đề lồng ghép giới và bình đẳng giới.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết thúc hội thảo.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức