THỐNG NHẤT NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC

19/05/2022

Chiều 19/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để thống nhất nội dung Báo cáo kết quả giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021” trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

 

Toàn cảnh buổi làm việc 

Về phía Đoàn giám sát có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê Kđăm; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Cao Thị Xuân, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Trần Thị Hoa Ry; Quàng Văn Hương; Đinh Phương Lan; cùng các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, đại biểu Quốc hội - thành viên Hội đồng Dân tộc là thành viên Đoàn giám sát.

Về phía đại diện của Chính phủ và các Bộ, ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; đại diện Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 132/NQ – HDDT15 ngày 25.10.2021 về việc thành lập Đoàn giám sát “việc ban hành văn bản quy phạm, pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021”, từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, Đoàn giám sát đã tiến hành xây dựng đề cương báo cáo, kế hoạch triển khai giám sát, tổ chức làm việc trực tiếp với Chính phủ và một số Bộ, ngành về nội dung này.

Đến nay, Đoàn giám sát đã xây dựng xong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để thống nhất nội dung báo cáo trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đoàn giám sát tổ chức buổi làm việc với đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia được mời tham gia giám sát trong thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định...

Đoàn giám sát cho rằng, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã có sự quan tâm đến công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao trong các dự án luật có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Hệ thống các văn bản dưới luật đó đã góp phần quan trọng trong việc luật hóa các chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều chỉnh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định như: Việc ban hành một số văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật có liên quan đến công tác dân tộc còn chậm so với quy định hoặc chưa ban hành; nhiều nội dung ban hành còn quy định chung chung như “ưu tiên”, “hỗ trợ”, chưa quy định các ưu đãi, đặc thù cụ thể dẫn đến khó thực thi hoặc thực thi hiệu quả thấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan cùng trao đổi với các thành viên trong Đoàn giám sát để thống nhất các nội dung được nêu trong Báo cáo.

Tại buổi làm việc, báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, cơ bản Chính phủ và các bộ, ngành đã bám sát theo các yêu cầu trong đề cương, biểu mẫu của Đoàn. Một số Bộ đã bám sát đề cương, chất lượng báo cáo tốt như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thi Xuân cho rằng, vẫn còn một số báo cáo gửi muộn không đúng thời gian quy định; nội dung báo cáo còn sơ sài, chưa thể hiện đầy đủ mục đích, yêu cầu theo đề cương, biểu mẫu giám sát; nhiều văn bản quy phạm pháp luật không liên quan đến nội dung giám sát, không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn đưa vào báo cáo gây nhiều khó khăn trong quá trình rà soát, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các bộ ngành.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân  

Giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, có 42 luật được Quốc hội ban hành có quy định liên quan đến công tác dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 37 văn bản, trong đó: 35 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 Thông tư của Bộ trưởng. Tuy nhiên Báo cáo của Chính phủ còn có một số tồn tại, hạn chế như:

(1) Thống kê cả các Nghị định không quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật có liên quan đến công tác dân tộc; Thống kê thiếu 02 Nghị định của Chính phủ và 02 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(2) Về tính kịp thời của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Số lượng văn bản ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật: 12/25 văn bản, chiếm tỷ lệ 48%. Số lượng văn bản ban hành chậm là 13/25 văn bản, chiếm tỷ lệ 52%, tập trung chủ yếu vào các văn bản trong lĩnh vực giáo dục.

(3) Về tính đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Đoàn giám sát cho rằng còn có 6 Điều tại 05 Luật giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nhưng chưa được ban hành.

(4) Số liệu Báo cáo của Chính phủ với các bộ, ngành chưa có sự thống nhất, một số Nghị định, Thông tư quy định chi tiết các điểm, khoản, điều của Luật mà không liên quan đến công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số cũng được liệt kê vào danh mục các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.

Nhấn mạnh đến tác động, ảnh hưởng trong việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức triển khai, thi hành luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng chính sách, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào DTTS cũng như tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chính, cụ thể dẫn đến các tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời cũng chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ và từng bộ ngành, qua đó Đoàn giám sát đã đề xuất các kiến nghị đối với từng cơ quan được nêu trong dự thảo Báo cáo.

Thành viên Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc tham dự buổi làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Dân tộc, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, làm rõ một số nội dung mà Đoàn giám sát và các đại biểu nêu về những đánh giá kết quả, hạn chế liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, với tinh thần lắng nghe, cầu thị, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, Đoàn giám sát và các bộ, ngành đã thống nhất một bước về dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát. Thông qua các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát, bổ sung nhận định, đánh giá, nhất là các số liệu minh chứng chi tiết, phù hợp với từng giai đoạn để nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo giám sát trình UBTVQH và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV)./.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, tình trạng chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức triển khai, thi hành luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng...

Thành viên Đoàn giám sát tham dự buổi làm việc.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến khoản 4, Điều 28 Luật Giáo dục 2019; khoản 3, Điều 61 Luật Giáo dục 2019; các nội dung liên quan được nêu tại Phụ lục 3.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý vào phần giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Đạt giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến Luật Giáo dục 2019.

Đại diện Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

D

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường giải trình, lảm rõ về Điều 23, Luật Thanh niên 2020 chưa được quy định chi tiết

Đại diện Vụ Thanh niên - Bộ Nội vụ giải trình, lảm rõ thêm về Điều 23, Luật Thanh niên 2020 chưa được quy định chi tiết

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải trình, làm rõ về khoản 2, 3, Điều 104 Luật Quản lý ngoại thương 2017 chưa được quy định chi tiết.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ về điểm d, khoản 2, Điều 27 Luật Quy hoạch 2017 chưa được quy định chi tiết.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ về khoản 4, 5, 6, Điều 5 Luật Điện ảnh 2006 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/10/2018.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu nêu.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, với tinh thần lắng nghe, cầu thị, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, Đoàn giám sát và các bộ, ngành đã thống nhất một bước về dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác