HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CHO ĐỒNG BÀO DTTS&MN

22/03/2022

Chiều ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN.

 

Chương trình được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các Phó Chủ tịch và Ủy viên của Hội đồng Dân tộc; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội.

Về phía các Bộ, ngành của Chính phủ có: Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận cùng một số cơ quan khác.

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Dân tộc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đề cập về xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, căn cứ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NHNN đã thực hiện xây dựng Nghị định theo 2 bước.

Bước 1 là trình Thủ tướng Chính phủ về lập đề nghị xây dựng Nghị định. Tại Công văn số 1555/VPCP-KTTH ngày 11/03/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị định theo đề xuất của NHNN, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan khẩn trương, xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 3/2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bước 2, NHNN đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xây dựng hồ sơ Nghị định (gồm: dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị định của Chính phủ và Báo cáo đánh giá tác động chính sách), đã gửi lấy ý kiến 25 cơ quan, đơn vị liên quan, gồm: Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 08 Bộ, ngành liên quan, 04 tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH và 10 tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đại diện 6 vùng của cả nước.

.
Phó Thống đốc Thường trực
 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp.

Qua tổng hợp, về cơ bản các đơn vị nhất trí đối với nội dung Dự thảo. NHNN đã tiếp thu để hoàn thiện vào Dự thảo Nghị định và đã có Công văn 1411/NHNN-TD ngày 11/03/2022 chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định đối với Dự thảo Nghị định. Ngày 21/03/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đối với Dự thảo Nghị định. Sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, NHNN sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định.

Dự thảo Nghị định được kết cầu gồm 07 Chương và 38 Điều, quy định 05 chính sách tín dụng ưu đãi triển khai tại NHCSXH, gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay hỗ trợ đất sản xuất, cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề và cho vay hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý. Nghị định quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Đối tượng vay vốn là Hộ dân tộc thiểu số nghèo, Hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở SXKD) có sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người DTTS. UBND cấp huyện căn cứ các điều kiện thụ hưởng các chính sách để phê duyệt danh sách hộ gia đình được vay vốn. Địa bàn thực hiện: Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.

Nguyên tắc cho vay vốn: NHCSXH cho vay đúng đối tượng, rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng vốn; Khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay, hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi cho NHCSXH; Ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Trường hợp khách hàng thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho cùng mục đích vay vốn đang thực hiện tại NHCSXH, khách hàng lựa chọn vay theo quy định tại Nghị định này hoặc áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất để tránh trùng lắp trong thụ hưởng chính sách.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về đối tượng, địa bàn được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN; nâng mức cho vay cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách; tiến độ thực hiện Chương trình...


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Để triển khai Nghị định hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, phải nghiên cứu kỹ các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo. Địa bàn cho vay cần có sự cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp. Việc cho vay đối với hộ nghèo thiếu đất ở và đất sản xuất, ngân hàng cần có chính sách đồng bộ để nâng mức cho vay để người dân có chỗ ở và công việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Liên quan đến việc thiếu nguồn vốn, phải  có sự khảo sát lại để xem sao cho phù hợp với thực tế.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu quan điểm: Tất cả các chính sách phải tập trung vào việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS&MN. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần nâng mức cho vay đối với đồng bào DTTS&MN là 50 triệu đồng/hộ đối với đất ở, nhà ở (gấp đôi mức đề xuất của Ủy ban Dân tộc tại Báo cáo nghiên cứu khả thi). Ngoài ra, cần rà soát những vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, Hội đồng Dân tộc cần tăng cường đôn đốc việc triển khai Nghị quyết 120 về việc Quốc hội đã phê duyệt nguồn vốn tín dụng chính sách tối thiểu và được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc thụ hưởng cần làm rõ là đồng bào DTTS&MN có được hưởng thêm chính sách nào không. Nếu được hưởng nhiều chính sách thì được hưởng như thế nào, chính sách cao nhất được hưởng là gì.

Đóng góp thêm ý kiến về việc tạo điều kiện cho đồng bào DTTS&MN ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh đồng thuận với việc nâng mức cho vay ở ngân hàng. Tuy nhiên, mức cho vay phụ thuộc vào từng vùng miền, địa phương và phù hợp với tình hình chung của sự phát triển kinh tế-xã hội trong thực tiễn nhưng phải cố gắng đẩy nhanh thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đến với bà con  DTTS&MN.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về vấn đề huy động nguồn lực cho vay; bổ sung quy định cho vay chuỗi giá trị tại Nghị định và nâng mức cho vay các chính sách tín dụng theo đề nghị của các cơ quan, địa phương, thời hạn cho người dân được vay vốn...


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, đại diện cơ quan đã đóng góp về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN.

Qua những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị NHNN, NHCSXH và các Bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến, đề xuất tại cuộc họp. Đặc biệt, cần lưu ý rà soát, bổ sung các chính sách tín dụng nằm trong Chương trình. Về mức vay vốn, cần nghiên cứu nâng mức cho vay sao cho phù hợp với thực tiễn. Để có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, cần có sự liên kết các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất tham gia vào việc hỗ trợ người dân.

Trong cách tiếp cận, tập trung nhiều hơn cho người dân về việc hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp, hàng hóa; liên kết các dự án, chương trình. Ngoài ra, cần rà soát các nội dung chính sách, đối tượng được thụ hưởng. Những việc làm này góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho vùng DTTS&MN./.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:


Toàn cảnh cuộc họp.


Các đại biểu tham dự cuộc họp.


Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh nêu quan điểm.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ đóng góp ý kiến.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà
.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn
.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu tại cuộc họp.

Đại diện Bộ Tài chính giải thích thêm về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN.


Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Các bài viết khác