ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THUỘC 4 LĨNH VỰC TẠI PHIÊN CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 5
Đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cơ bản thống nhất với việc xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó khẳng định hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước và phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thứ nhất, đại biểu Dương Bình Phú góp ý tại khoản 23 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: “Trung tâm dữ liệu là công trình viễn thông, bao gồm hạ tầng kỹ thuật (nhà trạm, hệ thống cáp) và hệ thống máy tính cùng các thiết bị phụ trợ được lắp đặt vào đó để xử lý, lưu trữ và quản lý tập trung dữ liệu của một hay nhiều tổ chức, cá nhân.”
Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Trung tâm dữ liệu chỉ trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, đảm bảo không trùng lặp với các hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin hay các hệ thống/nền tảng tương tự đã được quy định tại các văn bản khác như Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử...
Thứ hai, điểm a khoản 4 Điều 6 quy định: “Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm nhưng không giới hạn ở các thông tin như: tên, địa chỉ, số thuê bao, các thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi, địa chỉ Internet) và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp "Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin”
Đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, trên thực tế khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, doanh nghiệp có được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, người sử dụng dịch vụ viễn thông lại không nắm rõ đầy đủ thông tin liên quan đến trường thông tin được phép tiết lộ và mục đích sử dụng/phạm vi sử dụng trường thông tin đó của doanh nghiệp viễn thông.
Theo kinh nghiệm các cơ quan cạnh tranh trên thế giới, việc thu thập các thông tin của người sử dụng mạng viễn thông thông qua các địa chỉ IP đang diễn ra phổ biến, các nền tảng lớn còn đầu tư tài chính để có thể mua lại các dữ liệu người dùng mạng viễn thông thông qua địa chỉ IP. Trong khi đó, người sử dụng mạng viễn thông không nhận thức được đầy đủ các hoạt động nêu trên. Vì vậy, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị điều chỉnh theo hướng: người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin sau khi doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp đầy đủ tới người sử dụng về chính sách chia sẻ thông tin, bao gồm: loại thông tin, mục đích chia sẻ, nguyên tắc chia sẻ, phạm vi chia sẻ…
Thứ ba, tại Điều 13 quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và Điều 14 quy định về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông, đại biểu Dương Bình Phú nhận thấy, tại khoản 1 Điều 13 dự thảo có nội dung: “Ngoài các quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp…”, khoản 2 có nội dung: “Ngoài các nghĩa vụ quy định tại Luật doanh nghiệp….”. Tương tự khoản 1, khoản 2 Điều 14 cũng có nội dung: “Ngoài các quyền quy định tại Luật Thương mại…”; “Ngoài các nghĩa vụ quy định tại Luật Thương mại…”
Vì vậy, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị không nên dẫn chiếu tên cụ thể của các luật tại các Điều này, bởi vì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh nói chung (bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý dịch vụ viễn thông) cũng đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được xác định là luật chung nhất, cơ bản nhất quy định về các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc dẫn chiếu này có thể làm bỏ sót các quy định pháp luật quan trọng. Trong trường hợp vẫn quy định dẫn chiếu các luật cụ thể thì đề nghị bổ sung thêm “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Thứ tư, đại biểu nhận thấy, Điều 33 dự thảo Luật quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng nguồn tài chính hình thành nên Quỹ từ đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông, không có từ ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải đóng góp kinh phí cho Quỹ ngoài khoản thuế, phí, lệ phí mà doanh nghiệp đã nộp theo quy định là không phù hợp với pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Mặt khác, hoạt động của Quỹ trong thời gian qua chưa hiệu quả, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập đến nay chưa được giải quyết. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự thảo Luật./.