Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: c3c658a1-6967-90f0-19a0-588070186a0f.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH TÔ VĂN TÁM: CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BAO TRÙM

25/12/2019

Hướng tới sự bình đẳng và tạo điều kiện cho tất cả người dân được tiếp cận các cơ hội của thành quả tăng trưởng, để không ai bị bỏ lại phía sau, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH Kon Tum đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Mô hình tăng trưởng truyền thống không còn phù hợp

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với khoảng 14 triệu người đang sinh sống, cư trú tại 51 tỉnh, thành phố. Mặc dù những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, ưu đãi, nhưng hiện nay vùng dân tộc thiểu số vẫn là nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, chiếm tới 52%.

Luôn chăm chỉ lao động, nhưng bao nhiêu năm nay, bà Danh Thị Hường, cư trú tại thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vẫn không có của ăn của để, cuộc sống khó khăn bế tắc. Bà Hường cho biết: “Gia đình tôi làm bữa nào ăn bữa nấy, cũng mong nhà nước giúp đỡ vốn cho thoát nghèo vậy đó, mong muốn có số vốn cho đỡ chút cho mình thoát ghèo để không phải đi làm mướn”

Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền đang ngày càng tăng đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực trong xã hội. Hệ quả trực tiếp là gia tăng bất bình đẳng, nhất là bất bình đẳng cơ hội, tạo nên vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Điều đáng nói là sự bất bình đẳng không chỉ diễn ra giữa thành thị - miền núi, vùng miền mà bất bình đẳng đang xảy ra trong nội tại giữa các nhóm trong xã hội. Đây là thách thức mà Chính phủ cần giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững và bình đẳng xã hội.

Chị Danh Thị Hường, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Năng suất lao động được coi là chìa khóa tăng trưởng, nhưng theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thế nhưng ở nước ta năng suất lao động là một trong những nguyên nhân chính gây cản trở đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, 25 năm qua năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3 lần. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,3% của Singapore; bằng 19% Malaysia, bằng 37% Thái Lan; 44,8% Indonesia và bằng 55,9% Philippines.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhận định, những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Báo cáo về tình hình phát triển Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP (nợ công) tăng nhanh nhất trong thời gian qua. Mặc dù tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất ba năm qua. Tuy nhiên, theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ. Như vậy, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công, tính tới hết năm 2018.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam thời gian qua cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nguyên nhân là mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống với mục tiêu tăng trưởng nhanh đã dần bộc lộ những khiếm khuyết, nhất là vấn đề nghèo đói chưa được giải quyết. Hệ quả là phân hoá giàu nghèo tiếp tục được nới rộng, dẫn đến rủi ro bất ổn lớn cho nền kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Tăng trưởng bao trùm là gì?

“Tăng trưởng bao trùm” là cụm từ mới được sử dụng khoảng vài năm gần đây, và đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, cụm từ “tăng trưởng bao trùm” được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc và hiện đang được nhiều nước trên thế giới triển khai và áp dụng trong thực tế. Tăng trưởng bao trùm là hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại tương xứng đóng góp của mình.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thời điểm hiện nay, Việt Nam thực hiện tăng trưởng bao trùm là cần thiết và phù hợp. Bởi tăng trưởng bao trùm là một khái niệm mà Liên hợp Quốc đã đề xuất. Tăng trưởng bao trùm là tạo cơ hội cho tất cả mọi người được tiếp cận với cơ hội phát triển, có thể tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và có công ăn việc làm. Đối với người khuyết tật, yếu thế trong xã hội thì phải có chương trình bảo trợ xã hội, chăm lo về giáo dục, y tế cho những đối tượng này.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Mọi người được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng bao trùm - không để ai bị bỏ lại phía sau

Mặc dù chi tiêu công dành cho an sinh xã hội ở Việt Nam đã tăng từ 2,8% GDP vào năm 2013 lên 9,8% vào năm 2018, nhưng diện bao phủ hạn chế của chính sách an sinh xã hội đã dẫn tới sự bỏ sót nhóm các hộ cận nghèo và lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Hiện vẫn còn 11 triệu người chưa được hưởng bảo hiểm y tế, trong đó đa số tập trung ở nhóm cận nghèo, nông dân, lao động hợp tác xã và lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vùng dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Ở khu vực này vẫn tồn tại 5 cái nhất, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất. Do vậy, Chính phủ cần giải quyết được những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư phát triển khu vực này:

Đại biểu Phương Thị Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phân tích nguyên nhân khiến các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi thời gian qua chưa hiệu quả là do chồng chéo về nội dung hỗ trợ, trùng lặp về địa bàn, định mức hỗ trợ thấp… đã làm giảm hiệu quả của chính sách và khiến một bộ phận người dân ngày càng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của nhà nước.

Bên cạnh thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thì tăng năng suất lao động được coi là vấn đề “lõi” giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm mà Việt Nam đang hướng tới. Trong khi đó, Việt Nam là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN. Và cũng theo dự báo, sẽ có 74% số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, dễ bị thay thế do tự động hóa. Do vậy, Chính phủ cần có dự báo và có chiến lược để nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế trước thềm hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp số.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khuyến cáo, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thách thức lớn nhất của chúng ta là trình độ lao động của Việt Nam, bởi trình độ lao động sẽ quyết định năng suất lao động. Trước đây, lao động của Việt Nam đa phần là lao động phổ thông, còn lao động trình độ cao rất thấp vì vậy năng suất lao động chưa cao. Ngoài ra, có yếu tố khác ảnh hưởng là phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, phục vụ lao động thì còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong tương lai, robot sẽ thay thế lao động phổ thông vì vậy sẽ tạo ra mặt trái là làm cho số lượng lao động không nhỏ bị robot thay thế và gây hệ lụy là thất nghiệp cục bộ trong bộ phận lao động không có trình độ, tay nghề cao.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, năng suất lao động có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Mọi người được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách mang tính bao quát, hướng tới tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm cả người nghèo, cận nghèo, trung lưu và người giàu; cả nam và nữ; cả dân tộc đại đa số với dân tộc thiểu số; cả các cộng đồng tôn giáo khác nhau; cả những người làm việc trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bao trùm – không ai bị bỏ lại phía sau, nhiều ý kiến cũng khuyến nghị, các chính sách kinh tế vĩ mô cần hướng tới mục tiêu tạo lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn và bình đẳng, thay vì kích thích tăng trưởng thông qua ưu đãi hỗ trợ, vừa lãng phí, thiếu hiệu quả, vừa gây méo mó thị trường, phân bổ sai nguồn lực và can thiệp thái quá vào nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu một số giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng bao trùm, trong đó vai trò của nhà nước rất quan trọng. Nhà nước phải tạo ra chính sách, tạo ra cơ hội để cho mọi người được tiếp cận với tăng trưởng, có cơ hội lập doanh nghiệp, làm hộ kinh doanh, tự tạo ra thu nhập để phát triển. Nhà nước cũng phải tạo tiền đề cho phát triển, như đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông. Thứ ba là nhà nước cần đầu tư vào giáo dục và y tế, nhất là giáo dục vì Việt Nam đang thiếu nhiều lao động có tay nghề cao, có chuyên môn, kỹ thuật cao.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những thách thức của “bẫy thu nhập trung bình”, nền kinh tế còn thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành và các địa phương, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập... đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời trực tiếp đại biểu. Thủ tướng khẳng định: mô hình tăng trưởng hướng đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng các thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ trương này rất quan trọng, một số nước thì lấy phía đông nuôi phía tây, lấy những thành phố lớn để phát triển, nhưng Đảng ta, Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng mà chủ trương đó rất thành công. Độ chênh lệch ở Việt Nam tuy là có nhưng so với các nước khác thì tốt hơn. Thủ tướng khẳng định, chúng ta vui mừng về sự phát triển vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân, hiện đã có 118 chương trình có liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, mà trong phiên họp này Chính phủ đã trình Quốc hội một Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc là một chương trình mục tiêu quốc gia, được Quốc hội cho ký kiến và thông qua. Từ đó chúng ta sẽ thực hiện chủ trương phát triển bao trùm này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Tô Văn Tám về các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đề nghị có một số định hướng cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước để có nội hàm hướng tới một số việc, đó là cần phải quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, nhất là vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa có cả phúc lợi xã hội, việc làm để nhằm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng, thực hiện tốt hơn nữa công bằng xã hội cũng như tiến bộ xã hội đối với vùng, miền còn khó khăn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, giải pháp tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trên tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng và đề nghị Quốc hội phải có một chương trình quốc gia để thực hiện cho các vùng khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định vĩ mô để thực hiện phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện các chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người dân ở nông thôn, miền núi có điều kiện thu nhập cao hơn. Đồng thời để giải quyết vấn đề căn cơ này thì một giải pháp rất quan trọng mà một số quốc gia đã thành công đó là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hợp tác xã để người dân có thu nhập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên một số giải pháp như hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, gia đình yếu thế, những hộ gia đình ở vùng khó khăn thông qua Ngân hàng Chính sách và một số quỹ khác rất cần thiết cho những vùng có sự chênh lệch mức sống cao so với khu vực đô thị và nông thôn của Việt Nam. Cùng với những nội dung trên, Chính phủ sẽ thực hiện tốt các chủ trương chính sách, nhất là về giảm nghèo; củng cố mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại, thu hẹp tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. “Chúng tôi nhấn mạnh, ổn định vĩ mô, tạo cuộc sống ổn định cho mọi người dân rất quan trọng và điều đặc biệt là chúng ta phải nâng cao ý thức tự cường của người dân. Hình ảnh một bà cụ Thanh Hóa 83 tuổi xin đến 3 lần thoát hộ nghèo, nói tôi tuy tuổi cao nhưng mà tôi tự sản xuất được, tự lo được tại sao vẫn để tôi là hộ nghèo để được trợ cấp. Ý thức tự lực, tự chủ của người dân là truyền thống văn hóa của dân tộc chúng ta, có nhiều điển hình trong cuộc sống chúng ta phải học tập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong phần trả lời đại biểu, Thủ tướng đã khẳng định các giá trị cốt lõi căn bản của mô hình tăng trưởng bao trùm được thể hiện ở các khía cạnh như là tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người; Gia tăng việc làm, đặc biệt là việc làm có năng suất cao; Giảm tỷ lệ hộ nghèo; Thu hẹp bất bình đẳng; Đảm bảo an sinh xã hội… Vậy những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 liệu có khả thi? Đâu là những giải pháp căn cơ để đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum về nội dung này:

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa đại biểu, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Kỳ họp thứ 8 tôi có tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng bao trùm của nền kinh tế. Đây là quan điểm mới, được rất nhiều các chuyên gia về kinh tế đề cập. Trong các bài phát biểu của mình thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu quan điểm đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, cho nên tôi muốn biết Thủ tướng và Chính phủ có giải pháp gì thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn nào đại biểu chất vấn Thủ tướng về nội dung trên?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Thực tế thời gian qua, kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng với nhiều thành tựu nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa thực sự tốt, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn chênh lệch giữa các vùng miền, chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển, thể thế kinh tế, thể chế pháp luật, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa hiệu quả cho nên cơ hội tiếp cận đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư, cơ hội tiếp cận thụ hưởng thành quả kinh tế còn hạn chế. Vì vậy, tôi chất vấn Thủ tướng đề nghị làm rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng trên.

Phóng viên: Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải trình trả lời, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Thủ tướng?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Vấn đề tôi chất vấn được Thủ tướng quan tâm nên tôi thấy Thủ tướng trả lời khá đầy đủ, toàn diện và đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế hiện nay cũng như đã đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng tương đối toàn diện, sát với thực tế của đất nước trogn bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Thủ tướng đã nêu nhiều giải pháp cân đối tăng trưởng bao trùm, theo đại biểu đâu là giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Trong phần trả lời, Thủ tướng nêu ra rất nhiều giải pháp, đây là những giải pháp khả thi. Tuy nhiên, theo tôi có 4 nhóm vấn đề cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Thứ nhất là tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người, mọi tổ chức được tiếp cận cơ hội sản xuất, cơ hội kinh doanh để đầu tư, sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Ngoài việc tạo sự bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, thì cũng cần tạo cơ hội trong tiếp cận, thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế đem lại.

Thực tế thời gian qua đã làm tương đối tốt. Đó là tăng trưởng kinh tế cao và sự tăng trưởng này đã phân phối đến các tầng lớp nhân dân đều có cơ hội được thụ hưởng những thành quả tăng trưởng đó. Đây là thành quả mà thế giới cũng công nhận. Mặc dù vẫn còn có chênh lệch mức sống nhưng chênh lệch so với một số nước trên thế giới vẫn không có sự quá nóng, bởi chúng ta có nhiều chính sách xã hội nên đã khắc phục được nguy cơ gây nên bất ổn chính trị trong xã hội. Đây là kết quả khá tốt, đã làm tốt rồi nhưng vẫn cần phải tiếp tục phát huy.

Thứ hai, trong quá trình phát triển cần đảm bảo sự đồng đều giữa các vùng, các miền trong cả nước, đặc biệt việc đầu tư phát triển miền núi, Tây nguyên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những khu vực còn nhiều khó khăn, trình độ phát triển về mọi mặt còn thấp hơn với với vùng thành thị. Vì vậy, trong mục tiêu tăng trưởng bao trùm cần chú ý tạo sự đồng đều giữa các vùng, đặc biệt chú trọng đầu tư cho vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bằng nhiều giải pháp, chính sách an sinh xã hội, để từng bước khắc phục sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền.

Thứ ba, tôi thấy cần tập trung vào thể chế. Về chính sách pháp luật thì Quốc hội cũng nỗ lực ban hành nhiều luật cũng như sửa đổi các luật cho phù hợp với sự phát triển kinh tế cũng như đòi hỏi của hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt trong thể chế này thì Chính phủ là cơ quan chấp hành, điều hành cho nên cần tập trung, thường xuyên rà soát, tổng kết quá trình thực hiện luật để nếu như có vướng mắc, bất cập về luật thì kiến nghị và trình Quốc hội sửa chữa. Còn các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Chính phủ ban hành thì rà soát, tổng kết, bổ sung để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho kịp thời để tạo ra hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ. Đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế. Nhóm giải pháp thứ tư là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực Việt Nam mặc dù được quan tâm nhưng chưa đạt được yêu cầu, thể hiện ở năng suất lao động còn thấp, chất lượng chưa cao. Chỉ cần so với các nước trong khu vực thì cũng thấp hơn nên chứng tỏ chất lượng, năng suất lao động Việt Nam chưa cao. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nâng cao trình độ trung và đặc biệt là chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đảng ta có chủ trương rất đúng là đi tắt đón đầu trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Phóng viên: Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau mà Chính phủ nêu lên trong nhiệm kỳ này, theo đại biểu cần được cụ thể hóa thành hành động cụ thể như thế nào, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn?

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau là chủ trương rất đúng đắn, nhưng để thực hiện mục tiêu này Chính phủ cần tạo cơ chế thuận lợi để tạo cơ hội tiếp cận các điều kiện sản xuất kinh doanh, hưởng thụ các thành quả của sự phát triển kinh tế. Đối với các địa phương, trên cơ sở các cơ chế đó thì cũng cần chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn cần hết sức năng động, linh hoạt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển, trong đó đặc biệt chú ý tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là chú trọng bộ phận xã hội yếu thế trong xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sau mỗi giai đoạn tăng trưởng, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước thay đổi, đã bộc lộ rõ hơn những điểm yếu trong mô hình tăng trưởng cũ. Do vậy, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng kinh tế, lựa chọn con đường tăng trưởng với những đặc điểm mới, những ưu tiên mới và cách thức mới, trong đó nhấn mạnh tới sự bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội tăng trưởng cho mọi người trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ cần phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình; chú trọng các biện pháp để cải thiện năng suất lao động; đầu tư các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới; mở ra nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng; đồng thời cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội để bắt kịp tốc độ phát triển của đất nước, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội./.

Lan Hương