Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: a80f22a1-59f9-90a9-7816-289d6cb58507.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH BÙI SỸ LỢI: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH THU HÚT VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ, ĐIỀU DƯỠNG VIÊN GIỎI

20/12/2019

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có chính sách, chế độ lương và phụ cấp tốt hơn để thu hút với nhân viên y tế, điều dưỡng viên giỏi yên tâm công tác, dành tâm huyết phục vụ những người yếu thế trong xã hội được tốt hơn.

Các bác sĩ khám, chữa bệnh cho những người yếu thế đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tính đến ngày 31/12/2018, có khoảng 17.000 công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại 195 cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Công việc chủ yếu của họ là chăm sóc các nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hội khác.

Tính chất công việc của các nhân viên y tế, cán bộ điều dưỡng rất vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy cơ lây nhiễm, thương tích cao khi phải thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, trợ giúp người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS.

Để thu hút nhân lực chất lượng cao yên tâm công tác và dành tâm huyết phục vụ những người yếu thế trong xã hội được tốt hơn, các nhân viên y tế, điều dưỡng viên đều mong muốn có chế độ đãi ngộ bằng tiền lương, phụ cấp theo nghề và môi trường làm việc để nâng cao kỹ năng tay nghề tốt hơn.

Công việc vất vả, rủi ro cao nhưng mức lương còn hạn chế

Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội đến nay đã được 16 năm nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết có thu nhập hàng tháng kèm theo 60% mức lương phụ cấp của ngành nên được 8 triệu đồng. Đây là mức lương đã được nâng lên kể từ giữa năm 2017, còn trước đó, mức lương của chị chỉ giao động 5 triệu đồng/tháng. Vừa phải nuôi con ăn học trong khi giá cả sinh hoạt luôn có sự biến động theo hướng tăng lên, vợ chồng chị phải chắt chiu, tính toán kỹ các khoản chi tiêu.

Tâm sự với phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chị Tuyết mong muốn được tăng thêm trợ cấp đối với những nhân viên y tế, điều dưỡng đang làm việc tại trung tâm để họ yên tâm công tác, chú tâm chăm sóc những người yếu thế trong xã hội được tốt hơn.


Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết thăm khám cho người cao tuổi.

Cho đến nay, anh Trương Quốc Tiến làm nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội đã được 10 năm nhưng có mức lương và phụ cấp vẫn còn khiêm tốn. Không loại trừ việc gì, từ chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, bón từng thìa cháo, phục hồi sức khỏe, vệ sinh cá nhân cho các cụ cao tuổi nằm liệt giường, anh Quốc Tiến đều không ngần ngại làm.

Cũng đã có gia đình và con nhỏ mà lại là trụ cột gia đình nhưng hàng tháng mức lương của anh Tiến chỉ có gần 7 triệu đồng nên nhiều lúc chi tiêu các khoản sinh hoạt phí thiết yếu cho gia đình, anh Tiến vẫn phải nhờ sự hỗ trợ thêm của bố mẹ.

Chia sẻ về công việc, anh Quốc Tiến cho biết, chăm sóc sức khỏe và phục vụ những người yếu thế là phải làm đa chức năng vừa thăm khám, chăm sóc cho và phục vụ nên đòi hỏi sự tỉ mẩn, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể là trong tuần phải trực ca kíp nên hầu như các bác sĩ, điều dưỡng viên không có thời gian làm thêm việc khác để tăng thêm thu nhập. Họ chỉ trông vào tiền lương và phụ cấp của Nhà nước trả cho hàng tháng.

Anh Trương Quốc Tiến bày tỏ mong muốn tăng thêm phụ cấp đối với nhân viên y tế và điều dưỡng đang làm công việc chăm sóc sức khỏe, phục trực tiếp đối với những người yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội.  Ngoài ra, anh Tiến cũng đề xuất, các cơ quan chức năng hỗ trợ, bổ sung thêm máy móc, trang thiết bị cho các trung tâm để nhân viên chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho những người yếu thế đang sinh sống tại các trung tâm.


Điều dưỡng viên Trương Quốc Tiến.

Đồng cảm với những khó khăn của các nhân viên chăm sóc, phục vụ những người yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội cho biết: Ngoài việc chăm sóc sức khỏe y tế cho trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng thì các nhân viên điều dưỡng của Trung tâm còn phải phục vụ người cao tuổi bị bệnh từ việc bón ăn, theo dõi sức khỏe cho đến vệ sinh cá nhân ngay tại giường. Công việc của họ thường kéo dài từ 8h sáng ngày hôm nay cho đến 8h sáng ngày hôm sau. Khi về đến nhà thì các điều dưỡng, nhân viên y tế chỉ kịp nghỉ ngơi chốc lát rồi chăm sóc cho gia đình nên không có thời gian làm thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập.

Gần đây, được sự quan tâm của TP Hà Nội, những cán bộ điều dưỡng, nhân viên y tế đang làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội đã được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt nghề. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế nhu cầu đời sống và mức sống đang tăng thì vẫn cần điều chỉnh mức trợ cấp cho họ.

Bà Trần Thị Hải cho biết, hiện nay, ngoài việc chăm sóc cho những người yếu thế như trẻ em bị bỏ rơi, cụ già không nơi nương tựa... thì Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội cũng đang chờ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố hướng dẫn về khung mức giá dịch vụ đối với việc chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí.

Trung tâm đã được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ thí điểm chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện từ năm 2007, chủ yếu hướng tới đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi và gia đình có thu nhập trung bình và thấp; một số là người cao tuổi cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có lương hưu nên không được xét vào diện đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác thí điểm nuôi dưỡng tự nguyện trong thời gian qua của trung tâm đã đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người cao tuổi và gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phần nào tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên trung tâm.

Chính vì vậy, bà Trần Thị Hải mong muốn Thông tư “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội” sớm được thông qua và triển khai giúp cho nhiều đối tượng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí được hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội góp phần nâng cao đời sống cho người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm và cán bộ viên chức, người lao động.


Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội.

Còn đối với những người yếu thế đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, bà Trần Thị Hải nêu quan điểm: Theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP, đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2013/NĐ-CP (270.000 đồng) nhân với hệ số tương ứng  đối với từng nhóm đối tượng theo quy định sau đây: Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 4 tuổi; Hệ số 4,0 đối với trẻ từ 4 đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 60 tuổi trở lên; Hệ số 3,0 đối với người từ 16 đến đủ 60 tuổi.

Những đối tượng từ 16 đến đủ 60 tuổi (tương đương với hệ số 3) chỉ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc với số tiền tổng cộng là 1.050.000 đồng/người/tháng. Mức trợ cấp này là tương đối thấp so với các đối tượng khác nên rất khó khăn cho các trung tâm bảo trợ trong việc đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng và có đầy đủ thuốc điều trị với đơn giá lên đến hàng triệu đồng cho người có bệnh phải chăm sóc lâu dài.

Với những khó khăn trên bà Trần Thị Hải đề xuất cần tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng từ 16 tuổi đến 60 tuổi lên hệ số 4,0 thay vì hệ số 3,0 như hiện nay. Đồng thời mức chi khác đề nghị tương đương hệ số 2,0 (270.000 x 2 = 540.000 đồng/người/tháng).

Bên cạnh đó, đối với trẻ em tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian đầu tự lập, công việc của các cháu chưa ổn định, thu nhập thấp, không có chỗ ở, phải thuê nhà hoặc ở nhờ, rất khó khăn, chính vì vậy, đề nghị Nhà nước có mức hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong thời kỳ đầu tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cháu.

Nhân viên và đối tượng yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội cần được quan tâm hơn

Thực tế, công việc của các nhân viên đang chăm sóc những người yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội rất vất vả và có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Việc tăng lương, phụ cấp để thu hút nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tốt làm việc tại đây cần được chú trọng hơn nữa. Để hiểu hơn về các chính sách đối với họ trong thời gian tới, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa).


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết chế độ chính sách, đãi ngộ đối với những cán bộ điều dưỡng, chăm sóc y tế hiện nay cho đến nay đã được điều chỉnh như thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tính chất công việc công tác xã hội rất vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy cơ lây nhiễm cao khi phải thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, trợ giúp người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều trường hợp bị người tâm thần, người nghiện ma túy nhiễm HIV/AIDS tấn công, gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng.

Chế độ chính sách, đãi ngộ đối với những cán bộ điều dưỡng, chăm sóc y tế tại các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay được áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã bổ sung đối tượng áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/2/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã bổ sung đối tượng áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.

Về chế độ ưu đãi theo nghề đối với cán bộ điều dưỡng, chăm sóc y tế làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập được áp dụng chế độ phụ cấp theo Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016 quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Trong đó mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cáo nhất là 70%, thấp nhất là 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối với cán bộ điều dưỡng, chăm sóc y tế làm việc tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh được áp dụng chế độ phụ cấp theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của  Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Phóng viên: Nghề Điều dưỡng là một nghề vất vả. Nếu địa vị của người điều dưỡng không được quan tâm đúng mức, nghề nghiệp ít được đề cao sẽ ảnh hưởng đến sự say mê, tự hào nghề nghiệp và hậu quả là người bệnh, người yếu thế trong xã hội không được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng. Theo đại biểu, chúng ta cần làm gì để thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia vào công việc này?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Công chức, viên chức và người lao động làm điều dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là người thường xuyên trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện việc chăm sóc theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội gồm người có HIV/AIDS, người khuyết tật, người tâm thần, người nghiện ma túy,...

Công việc của điều dưỡng viên bận rộn cả ngày, họ không chỉ thực hiện chức năng của một điều dưỡng mà còn chủ động thực hiện các nghiệp vụ khác giúp quá trình điều trị, phục hồi cho người bệnh diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Không chỉ rất vất vả mà các điều dưỡng viên còn chịu áp lực công việc lớn có nguy cơ đối diện với những rủi ro lớn. Họ làm một công việc có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên áp lực căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi với điều dưỡng viên là không thể tránh khỏi. Đặc biệt là ở Việt Nam khi tình trạng quá tải, điều kiện cơ sở vật chất ở một số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế chưa được đảm bảo thì áp lực đối với điều dưỡng viên càng lớn.

Khi thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân, đặc biệt ở điều dưỡng viên có nguy cơ truyền nhiễm, điều dưỡng cộng đồng có nguy cơ phơi nhiễm cao. Đây chính là những rủi ro mà người làm nghề điều dưỡng đã, đang và sẽ phải đối mặt.

Những đặc thù nghề nghiệp nêu trên đòi hỏi phải có các chính sách ưu đãi phù hợp thì mới khuyến khích được tính tích cực, yêu ngành, yêu nghề của công chức, viên chức và người lao động, góp phần duy trì và phát triển nhân lực tại các cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia vào công việc này, bên cạnh việc thực hiện chế độ đãi ngộ bằng tiền lương, phụ cấp theo nghề, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế cũng cần phải tăng cường năng lực, ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tình cảm chia sẻ cộng đồng; đồng thời phải tạo một môi trường làm việc tốt, có cơ chế để điều dưỡng viên có thể học tập nâng cao tay nghề, phát huy năng lực của cán bộ điều dưỡng một cách tốt nhất.

Phóng viên: Hiện nay, tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội thường phải huy động thêm các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí, vật chất để hỗ trợ công tác chăm sóc, cải thiện đời sống cho những người yếu thế đang sinh sống tại đây. Xin đại biểu cho biết, trong thời gian tới liệu có sự thay đổi, điều chỉnh cơ bản nào để phục vụ người yếu thế được tốt hơn?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Đối tượng cần trợ giúp xã hội chiếm một số lượng rất lớn trong tổng số dân số ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay sự quan tâm, nhận thức về đối tượng cần trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng còn hạn chế nên nhiều nhóm đối tượng như: người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS thường bị kỳ thị, coi thường, xa lánh.

Gia đình đối tượng phải chăm sóc lâu ngày nên chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế đã buông xuôi, để lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Do vậy, đối tượng bảo trợ xã hội rất thiệt thòi trên bình diện quyền con người.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu đối tượng bảo trợ xã hội được mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, sức khoẻ sẽ ổn định, một số chức năng được phục hồi như: trí nhớ, ý thức, có thể tự phục vụ bản thân và có thể tham gia lao động.

Đối tượng được cung cấp các dịch vụ công tác xã hội thì có thể giải quyết các vấn đề của chính mình hoặc được hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm việc làm thì có khả năng tạo lập cuộc sống ổn định, bền vững và hòa nhập cộng đồng.

Việc tuyên truyền nhằm giúp các ngành, các cấp và người dân nhận thức, hiểu biết đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức quan trọng, bảo đảm việc trợ giúp đối tượng phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển, vươn lên trong cuộc sống.

Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định về chế độ, chính sách trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; về mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ giúp xã hội đột xuất, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.

Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và đúng mục tiêu. Việc trợ cấp, trợ giúp được thực hiện chủ yếu tại gia đình và cộng đồng nơi đối tượng sinh sống. Mức trợ cấp, trợ giúp được thay đổi tuỳ thuộc vào mức sống tối thiểu của dân cư.

Theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (270.000 đồng) nhân với hệ số tương ứng đối với từng nhóm đối tượng theo quy định sau đây: Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi; Hệ số 4,0 đối với trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 60 tuổi trở lên; Hệ số 3,0 đối với người từ 16 tuổi đến đủ 60 tuổi; Hệ số 2,5 đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật.

Bên cạnh các khoản trợ cấp hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thuộc Nhà nước quản lý còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội; cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường và cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ; cấp sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định; được hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương thành lập, cho phép thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở bảo trợ xã hội tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, trợ giúp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng.

Ước tính hàng năm có hàng nghìn tỷ đồng được Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách dành cho các hoạt động trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có kinh phí bố trí cho hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Chính phủ các nước và các tổ chức, cá nhân quốc tế đã có nhiều hỗ trợ cho công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với đối tượng bảo trợ xã hội như WHO, UNICEF, EU, SOS và các tổ chức NGOs quốc tế tại Việt Nam viện trợ không hoàn lại hàng triệu USD/năm cho công tác này ở 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan.

Các tổ chức và cá nhân trong nước cũng đã có những hỗ trợ đáng kể về mặt kinh phí cho công tác trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi. Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp hàng chục tỷ đồng trợ giúp đối tượng.

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, đây là công tác xã hội rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình để cùng Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế thể hiện tình cảm chia sẽ của cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, thông qua hoạt động thiền nguyện “Ngày chủ nhật yêu thương” cũng là dịp khảo sát nắm bắt thực tế các hoạt động của các trung tâm và đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mới thấu hiểu sự vất vả của những người làm công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa nhân văn. Do đó, cần có chính sách, chế độ lương và phụ cấp tốt hơn để thu hút nhân viên y tế, điều dưỡng viên giỏi yên tâm công tác, dành tâm huyết phục vụ những người yếu thế trong xã hội được tốt hơn.

Ngoài ra, cũng cần có thêm sự quan tâm, chung sức của cả xã hội để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội tốt hơn./.

Bích Lan