Tổng thuật chiều 31/10: Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Một trong những điểm mới Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân là bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định mang tính chất “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 thay vì chỉ “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với bệnh viện tuyến huyện như luật hiện hành nhằm thu hút người tham gia BHYT tăng cường khám chữa bệnh tại y tế cơ sở để thể chế hóa Chỉ thị số 25-CT/TW về tăng cường y tế cơ sở…
Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Thảo luận tại Tổ về quy định này, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT,. Quy định như dự thảo luật nhằm đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT. Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhất trí cao với đề xuất thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, giúp giảm lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc của người bệnh. Bởi nhiều bệnh hiểm nghèo, khó chữa trị ở tuyến ban đầu nhưng vẫn bắt buộc phải khám ở tuyến cơ sở.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có quy định về các giải pháp để tránh lãng phí và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT. “Trong thời gian qua, danh mục thuốc của BHYT do Bộ Y tế ban hành nhưng thực tế thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, để đảm bảo được sự công bằng của người đi khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ và người đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tôi đề nghị Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc BHYT, trường hợp có vướng mắc tháo gỡ và tháo gỡ kịp thời để đáp ứng được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”, đại Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị.
Có quan điểm khác, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắc cho rằng, quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh với tỷ lệ chi trả điều trị nội trú 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng, tạo sự bất cập, làm tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên, nhất là nội trú tuyến tỉnh, giảm số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Đại biểu đề nghị cần có chính sách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở cả về nhân lực và trang thiết bị để giảm áp lực cho các tuyến trên. Theo số liệu báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, hiện nay thì tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ phục vụ chỉ chiếm 92,9%; Số giường bệnh/vạn dân (không tính giường bệnh trạm y tế) là 28,5 giường bệnh; tuyến tỉnh có 2.430 giường bệnh, tuyến huyện có 2.430 giường bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về thông tuyến BHYT, bởi thực hiện thông tuyến giữa tuyến huyện với tuyến huyện, giữa tuyến huyện với tuyến tỉnh, tuyến tỉnh với tuyến trung ương còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, thủ tục chuyển tuyến chưa thực sự thuận lợi; thủ tục thay đổi nơi đăng ký bảo hiểm từ nơi cũ đến nơi mới còn khó khăn và chậm trễ, đề nghị Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội tiếp tục rà soát để kịp thời tháo gỡ.
Cho ý kiến về quan điểm thông tuyến toàn quốc không giới hạn địa giới hành chính, đại biểu Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đang có xu hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh bảo hiểm y tế, đây là chủ trương rất tốt và rất đúng trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đối với một số ý kiến cho rằng nên bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề xuất chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám cấp ban đầu và cấp cơ bản; vẫn nên có giấy chuyển tuyến từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu.
Với nhiều năm công tác trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết, giấy chuyển tuyến trong ngành y là rất cần thiết, nếu không dễ dẫn đến tình trạng tuyến y tế cơ sở không có bệnh nhân, còn tuyến trên thì trong tình trạng quá tải, khi đó y tế cơ sở không còn đủ kinh phí hoạt động, khiến vai trò của hệ thống y tế cơ sở giảm đi.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Ngoài ra, giấy chuyển tuyến có một vai trò rất quan trọng, đó là tóm tắt bệnh án, khi người bệnh vào tuyến cơ bản hoặc tuyến ban đầu, bệnh nhân có những biểu hiện, triệu chứng và đã ghi lại lịch sử can thiệp biện pháp gì, dùng thuốc nào. Những thông tin này rất quan trọng khi chuyển lên tuyến chuyên sâu, bác sỹ biết được quá trình diễn biến bệnh tóm tắt để có phương án điều trị phù hợp.
“Trong ngành y, có những triệu chứng xuất hiện ở thời điểm này, nhưng đến thời điểm sau lại mất đi giá trị chẩn đoán, nếu mình không có giấy chuyển tuyến thì mình không biết được bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng đó, khi đó mình vô tình làm hại thêm bệnh nhân. Với việc phát triển công nghệ thông tin, tôi cho rằng giấy chuyển viện rất thuận lợi”, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm.
Thời điểm trước, các bệnh viện tuyến cơ sở được giao một khoản ngân sách để thực hiện chi trả khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, bệnh viện tuyến trên dùng bao nhiêu tiền, thì bệnh viện tuyến chuyển bệnh nhân phải chịu, nên các bệnh viện ngại chuyển bệnh nhân. Nhưng hiện đã bỏ quy định này nên các bệnh viện cũng tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết thêm.
Đánh giá cao trong lần sửa đổi luật lần này đã bảo vệ được người yếu thế và quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xóa bỏ địa giới hành chính có ý nghĩa quan trọng, đây cũng là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện theo định hướng đó, nhằm bảo vệ người dân và nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa nơi mà y tế cơ sở còn yếu. Tuy nhiên, đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Tri Thức, vì vậy Chính phủ, Bộ Y tế phải tập trung đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, đảm bảo đủ nhân lực, đủ cơ sở, trang thiết bị máy móc, từ đó mới giảm áp lực lên tuyến trên.