Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: d18159a1-2961-90f0-19a0-53aa71f495c1.

[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

Sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người: Cần quy định cụ thể về việc thành lập Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân

05/09/2024

Cần làm rõ nguyên tắc phòng, chống mua bán người cũng như quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc thành lập Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Đây là kiến nghị của các đại biểu Quốc hội khi tham gia góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024). Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều).

Quan tâm đến dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc phòng, chống mua bán người cũng như quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc thành lập Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Cần làm rõ nguyên tắc phòng, chống mua bán người

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đề cập về nguyên tắc phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới”. Đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy, cần phải làm rõ hơn cụm từ "trung tâm" theo hướng đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.

“Có thể thấy, người trong quá trình xác định là nạn nhân chưa chắc đã là nạn nhân. Ví dụ, có trường hợp cố ý vượt biên trái phép để làm các công việc theo chủ định của cá nhân nhưng kết quả không như mong muốn nên báo tin là bị bắt cóc, lừa gạt sang biên giới, v.v. để nhận trợ giúp”, đại biểu phân tích.

Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, khi xác minh hoàn thành, ngoài việc đảm bảo các quyền và lợi ích, cần phải tách bạch xử lý hành vi vi phạm trước đó hoặc áp dụng phương pháp hỗ trợ khác.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhận thấy, tại khoản 8 Điều 4 của dự thảo Luật quy định: "Tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi này". Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo cũng như Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu lại nội dung này.

“Khi chúng ta đã xác minh được nạn nhân của hành vi trong việc mua bán người cần được xem xét, đương nhiên là được miễn hình phạt hành chính cũng như miễn trách nhiệm hình sự bổ sung vào trong nội dung này”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật thì đề nghị bỏ vì nội dung này chưa rõ và không đồng bộ trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cũng như loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; hoặc nên quy định trong Bộ luật Hình sự về vấn đề này. Còn nếu giữ nguyên thì nên thiết kế lại vì khi xác định được là nạn nhân thì nên xem đương nhiên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần quy định cụ thể về việc thành lập Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân

Một nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được quy định tại Điều 47 của dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bàn về nội dung này, dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép thành lập Cơ sở trợ giúp xã hội là công lập, và Cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân là cơ sở được xã hội hóa, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình nội dung này.

“Ví dụ, bây giờ ai có tiền và nhân đạo, người ta thành lập một Cơ sở trợ giúp nạn nhân đối với việc phòng, chống mua bán người là rất cần thiết, rất hoan nghênh nhưng hiện Cơ sở trợ giúp công lập quy định rất rành mạnh, nhưng không quy định rõ cơ sở trợ giúp công lập là cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã”, đại biểu nêu rõ.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần quy định rõ ràng, rành mạch hơn nội dung này, vì theo Báo cáo tổng kết triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, từ năm 2011 tới nay trên toàn quốc không có một cơ sở nào được thành lập. Đại biểu băn khoăn, quy định mà không tổ chức thực hiện được, không biết cách nào thực hiện thì sẽ ra sao? Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung này.

Làm rõ hơn ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về Điều 47, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận thấy, theo quy định của dự thảo Luật, sẽ có 2 cơ sở là Cơ sở trợ giúp xã hội và Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đối với Cơ sở trợ giúp xã hội là công lập, còn đối với Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập và thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với giấy phép kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tóm lại, đối với Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chúng ta xã hội hóa do tư nhân thành lập trên cơ sở trình tự, thủ tục và được thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ đối với nạn nhân và người sẽ được xác định là nạn nhân.

“Báo cáo tổng kết triển khai thi hành Luật hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013 quy định về việc thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Qua 10 năm thực hiện Nghị định này, trên cả nước hiện nay chưa có một Cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, lý do là phải có cung thì mới có cầu. Theo các số liệu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, có những năm chúng ta trung bình tiếp nhận khoảng 200 đến 300 nạn nhân và năm cao nhất chúng ta tiếp nhận khoảng 700 nạn nhân. Như vậy, hiện nay các Cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận các nạn nhân này và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật hiện hành”, đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang bày tỏ băn khoăn hiện có nên tiếp tục quy định mô hình Cơ sở hỗ trợ nạn nhân hay không? Với quan điểm cá nhân, đại biểu cho rằng, không nên quy định mô hình này. “Tư nhân làm thì ít nhất cũng là nguồn lực của xã hội, quy định ra một chế định trên thực tế không bao giờ thực hiện được thì có nên quy định nữa hay không?”, đại biểu lo ngại.

Cũng theo đại biểu, nếu trong trường hợp tổ chức, cá nhân cần hỗ trợ đối với nạn nhân mua, bán người thì nên có một cơ chế để họ cùng với Cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân và tập trung nguồn lực vào đây thì tốt hơn. Nếu tiếp tục quy định mô hình này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Còn nếu không quy định mô hình này thì chúng ta cần có cơ chế để cho cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước chung tay góp sức cùng với Nhà nước thông qua Cơ sở trợ giúp xã hội để hỗ trợ nạn nhân thì sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đồng quan điểm về việc thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, Cơ sở trợ giúp xã hội khác tại Điều 47 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận thấy, dự thảo Luật đang quy định giao Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên xem xét luật hóa nội dung, đặc biệt là các quy định về điều kiện thành lập các cơ sở này./.

Bích Ngọc