TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra sôi nổi, nêu nhiều vấn đề quan trọng, nóng bỏng liên quan đến quốc kế dân sinh, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều chia sẻ về phiên chất vấn nay. Theo các đại biểu, phiên chất vấn không chỉ là dịp để các đại biểu Quốc hội chất vấn các cơ quan chức năng về những vấn đề nóng, phiên chất vấn còn là cơ hội để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các cam kết tại những phiên chất vấn trước đó.
Toàn cảnh phiên chất vấn
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn sát sao, bám sát thực tiễn. Những câu hỏi này đã góp phần làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng. Việc các cơ quan chức năng phải trực tiếp trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về những vấn đề mà cử tri và nhân dân đang quan tâm. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các cam kết của mình.
Bên cạnh đó, phiên chất vấn cũng là dịp để Quốc hội và nhân dân thấy được nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua. Thông qua các câu trả lời của các cơ quan chức năng, cử tri và nhân dân sẽ có cái nhìn khách quan hơn về những vấn đề mà Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực giải quyết. Với những ý nghĩa đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội vừa qua đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các cam kết của Chính phủ.
Chia sẻ bên lề phiên chất vấn, đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La bày tỏ quan tâm tới nội dung chất vấn đề nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, đại biểu cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật để phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có quy định rất quan trọng là đã luật hóa mức chi tối thiểu cho giáo dục và đào tạo phải chiếm 20% trong tổng số chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua giám sát, có thể thấy mức chi này trên thực tế chưa bảo đảm như theo quy định của pháp luật, nhiều địa phương không đạt được chỉ tiêu này.
Đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chia sẻ, mức chi bình quân trong những năm qua chỉ đạt 14,7%. Như vậy, mức đầu tư đó chưa đảm bảo theo các yêu cầu, mục tiêu ngành giáo dục đề ra. Kết quả giám sát cũng cho thấy, đối với chương trình đổi mới giáo dục, mức chi vẫn chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Phần lớn chi cho giáo dục hiện nay là chi cho lương của giáo viên, chi cho hoạt động giáo dục học tập của học sinh còn hạn chế, vì vậy, mức chi này chưa đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục.
Đại biểu cho rằng, để thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, cần bảo đảm hai yếu tố quan trọng: đảm bảo đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tiễn đội ngũ giáo viên còn đang thiếu hụt, đặc biệt là ở các môn học như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc… yếu tố tiên quyết để thực hiện đổi mới còn chưa đảm bảo. Về cơ sở vật chất, ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu trường, lớp học đang diễn ra phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn, khu vực trung tâm, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là khó khăn cản trở việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mong đợi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này, đại biểu Đinh Công Sỹ cho rằng, với ý nghĩa, tầm quan trọng và sự quan tâm rất lớn của đồng bào cử tri cả nước, Bộ trưởng cần sớm có chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn để khắc phục những hạn chế đó. Tuy nhiên, đây là những vấn đề lớn, riêng ngành giáo dục không thể giải quyết hết được các vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến con người, nhân sự, ngân sách, kinh phí. Vì vậy, Chính phủ cần có sự điều phối, chỉ đạo để có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành để thực hiện được mục tiêu của mình. Đại biểu cũng hy vọng, các đại biểu Quốc hội không chỉ chia sẻ, đặt câu hỏi làm rõ vấn đề, mà còn có thể đưa ra thêm những đề xuất, hiến kế cho ngành giáo dục để có thể đạt được những mục tiêu trong thời gian tới.
Cùng chia sẻ về phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này không chỉ là hoạt động giám sát thường xuyên, mà còn là hình thức giám sát lại, nhằm đánh giá việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các bộ, ngành. Đây là cách làm mới, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc đổi mới và đi đến cùng trong hoạt động chất vấn, giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện vai trò đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ, các bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện, biến các cam kết, lời hứa thành hiện thực, tạo chuyển biến thực chất trong cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Theo đại biểu, cử tri và nhân dân mong muốn các thành viên Chính phủ sẽ trả lời rõ ràng và trung thực về những gì đã đạt được, những gì còn tồn tại, hạn chế và vướng mắc, cũng như định hướng và giải pháp trong tương lai. Cử tri cũng mong muốn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của Chính phủ sẽ đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, cử tri mong muốn các thành viên Chính phủ không chỉ nêu ra kết quả đạt được của bản thân, mà còn thể hiện được sự kế thừa và phát huy những thành quả của các nhiệm kỳ trước, nhằm hiện thực hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực.
Đại biểu hy vọng, phiên chất vấn này sẽ tạo chuyển biến trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa bởi đây là những lĩnh vực có ảnh hưởng sát sườn tới chất lượng cuộc sống của người dân và có tác động sâu sắc tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển, đại biểu cho biết, thời gian qua, chúng ta đã quan tâm tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhưng vẫn còn tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa sát với thực tế nên trong một số lĩnh vực, văn bản vừa được ban hành lại phải sửa đổi, bổ sung. Thực tế đòi hỏi phải có phản ứng linh hoạt hơn nữa trong thiết kế và thi hành chính sách. Một trong những giải pháp đã được đại biểu Quốc hội nêu để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tốt hơn là cần phải quan tâm hơn nữa đến những người làm công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong vấn đề này. Đại biểu bày tỏ kỳ vọng các thành viên Chính phủ sẽ làm rõ những biện pháp, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể nhằm tạo chuyển biến thực chất trong những lĩnh vực nói trên.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Trao đổi về phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, để nâng cao chất lượng phiên chất vấn, nên chất vấn ở đúng tầm mức của Quốc hội, các nội dung, vấn đề liên quan tới lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc, không nên chất vấn về những sự vụ vấn đề nhỏ nhặt, nhất thời, những sự vụ, vụ việc cụ thể.
Bày tỏ quan tâm tới việc chấp hành pháp luật và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành trung ương, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh ở vai người đứng đầu bộ ngành, trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Những gì liên quan đến công việc ngành đó đảm nhiệm để xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải biết rõ trách nhiệm của mình, qua đó biết được giới hạn, phạm vi của mình để mà phòng ngừa trước. Tuy nhiên, nếu phòng ngừa bằng cách không làm gì cả thì cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật bởi không thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật trao cho.