LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ CHO QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT DI TÍCH, DI SẢN
Phóng viên: Thưa đại biểu, qua vị cháy tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở đang có những lỗ hổng, cần được tăng cường, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”?
Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Theo tôi, có thể nói, công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian vừa qua, không những ở địa bàn Hà Nội mà trên toàn quốc xảy ra rất nhiều vụ cháy, mà đều cháy ở cơ sở, ở những nơi đông dân cư, nơi làm việc, nhà máy, xí nghiệp, phòng karaoke... Một trong những yếu kém, nguyên nhân gây ra cháy đã được Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội chỉ ra, đó là công tác, thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở còn hạn chế. Cũng có thể nói, nhiều địa phương không coi trọng công tác này dẫn đến cháy vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Có thể đầu tiên là cháy hết, mất hết tài sản nhưng có những vụ cháy hậu quả còn nghiêm trọng gấp nhiều lần, làm mất tính mạng của con người như vừa rồi ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Đấy là điều rất đau xót.
Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chúng ta thấy rằng, một trong những nguyên nhân là do không làm tốt công tác PCCC, không làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở như: cơ sở sản xuất, nơi dân cư, nơi ở, khu chung cư, những nơi tập trung đông người. Các cuộc thanh tra, kiểm tra có thể vẫn được tổ chức hàng năm nhưng còn nặng tính hình thức, không đi sâu vào thực chất. Thực tế, đi kiểm tra là kiểm tra hình thức, không hướng dẫn người dân. Người dân cũng chỉ xem phương tiện nọ, công cụ này, công cụ khác nhưng không được sử dụng bao giờ nên khi không may xảy ra cháy, hậu quả rất nghiêm trọng. Ví dụ như cách thoát hiểm như thế nào? Công tác chữa cháy ngay lập tức như thế nào? Vì vậy, từ một đám cháy nhỏ, từ một que diêm trở thành một đám cháy lớn, cháy hết cả khu chung cư; từ một đốm lửa nhỏ đã thiêu rụi 56 tính mạng con người.
Sắp tới, chúng ta cần phải chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra. Đầu tiên ở đây là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, từ cấp cơ sở là cấp phường, xã đến cấp quận, huyện, tỉnh, người đứng đầu, kể cả người đứng đầu cấp ủy đó phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm đối với những việc cháy, nổ xảy ra trên địa bàn mà do không làm tròn trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn người dân, yêu cầu các cơ sở sản xuất, cơ sở tập trung đông người, cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc công tác PCCC.
Có thể nói, PCCC không phải là việc của Nhà nước mà đấy chính là việc của toàn dân. PCCC là phòng cho chính mình chứ không phải phòng cho Nhà nước, nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong việc hướng dẫn người dân, yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm nghiêm để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình. Thứ hai, chúng ta phải có biện pháp, có chế tài cụ thể, xử lý rất nghiêm đối với những cán bộ cơ sở, đối với những cơ sở không thực hiện nghiêm công tác PCCC, công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động PCCC, nhất là về vấn đề xây dựng, những công trình xây dựng trái phép, sai phép, vượt phép, mật độ dân cư quá cao trong một khu đô thị không đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng, về PCCC. Làm tốt công tác phòng ngừa thì chúng ta sẽ tránh được hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thì sẽ hạn chế việc xảy ra những vụ cháy.
Phóng viên: Khi nói về công tác PCCC, chúng ta không thể không nhắc đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra về xây dựng. Một căn nhà được cấp phép 6 tầng mà xây dựng lên đến cả 10 tầng, vẫn tồn tại bao nhiêu năm qua. Đó là việc “con voi đã chui lọt lỗ kim”, thưa đại biểu?
Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Để làm tốt được công tác PCCC, một trong những việc làm là phải gắn chặt với công tác xây dựng. Thứ nhất, chúng ta phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Giấy phép xây dựng đó. Không thể để tồn tại hiện tượng “cấp phép 6 tầng, xây 10 tầng”. Một giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ mà trở thành một khu “chung cư” hơn 100 người ở, không đảm bảo về an toàn PCCC là không thể được. Khi đã xây sai phép, trái phép rồi mà vẫn để cho tồn tại. Hậu quả chỉ là sớm hay muộn, chỉ là “một sớm một chiều”. Bên cạnh đó, như tòa nhà đấy không có lối thoát hiểm, ban công cũng bịt lại dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ hậu quả nghiêm trọng.
UBND thành phố Hà Nội họp triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ, Thanh Xuân
Tôi đề nghị sắp tới trong Luật Nhà ở (sửa đổi), cần phải có quy định rất chặt chẽ. Cần đưa vào điều cấm đối với một số trường hợp, không được phép sử dụng nhà ở dân dụng với diện tích nhỏ mà lại xây dựng trở thành khu tập trung đông người không đảm bảo yêu cầu về PCCC, lối thoát hiểm, mật độ, hạ tầng cơ sở, hệ thống cấp nước, thoát nước…
Phóng viên: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, không hợp thức hóa “chung cư mi ni” trong việc sửa đổi Luật lần này. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tôi nghĩ rằng, khái niệm “chung cư” là phải đáp ứng được yêu cầu, điều kiện về mặt kỹ thuật, hạ tầng, diện tích, chiều cao…Không có khái niệm “chung cư mini”, đấy chỉ là cách nói dân dã. Tất cả các nhà ở riêng lẻ biến thành “chung cư mini”, đấy là hình thức biến tướng, không đáp ứng yêu cầu về PCCC, an toàn cho người dân ở trong đó. Chính vì thế tôi nghĩ rằng, cái này cần có một quy định cấm để đảm bảo tính mạng cho chính người dân, đảm bảo an toàn cho xã hội, không thể vì lợi ích của một nhóm người, một vài cá nhân mà biến nhiều người trở thành nạn nhân.
Hình ảnh một “chung cư mini” tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, việc cắt điện, cắt nước đối với các công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC, vi phạm trật tự xây dựng có thể là biện pháp mạnh để ngăn ngừa cháy nổ. Ý kiến khác lại cho rằng, điều đó sẽ không đảm bảo quyền của người dân. Vậy đại biểu nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tôi nghĩ rằng, thanh tra xây dựng khi phát hiện có sai phạm trong trật tự xây dựng, có quyền yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, nếu không thực hiện thì có thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật. Việc cắt điện, cắt nước chỉ là biện pháp để tạo khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng không triển khai được công trình, nhưng không mang tính pháp lý cao. Quan trọng nhất là phải thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật thông qua việc yêu cầu chủ đầu tư phải chấm dứt vi phạm. Quá trình thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên, phải phát hiện từ sớm để yêu cầu chấn chỉnh quay về hiện trạng ban đầu, thực hiện đúng giấy phép. Điện và nước là quan hệ dân sự giữa 1 bên là người sử dụng ký hợp đồng với EVN, Nhà cung cấp nước. Chúng ta hoàn toàn có đủ các công cụ khác để có thể yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt vi phạm, chứ không cần dùng biện pháp cắt điện, cắt nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!