CHÚ TRỌNG KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, PHÁT HUY NĂNG LỰC NỘI SINH CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 19/9: PHIÊN TOÀN THỂ - ''NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, ĐẢM BẢO AN SINH TRONG BỐI CẢNH MỚI'' VÀ BẾ MẠC DIỄN ĐÀN
Toàn cảnh chuyên đề 2 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”.
Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" vừa được tổ chức thành công. Thông qua Diễn đàn, những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã được đưa ra để các cơ quan lập pháp của Quốc hội lắng nghe, tiếp thu trong việc bổ sung, sửa đổi thể chế, chính sách.
Để hiểu rõ hơn về sự kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội sau khi kết thúc Diễn đàn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh…
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững"?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan: Tôi cho rằng, việc Quốc hội hàng năm tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội rất là quan trọng để các chuyên gia, đại diện các cơ quan, tổ chức, địa phương có thể nói lên tiếng nói của các thành phần có liên quan. Ví dụ như các đại biểu tập trung vào việc doanh nghiệp hiện nay đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế và đang có những thuận lợi, gặp khó khăn ra sao... Ngoài các cơ quan, tổ chức trong nước, các tổ chức nước ngoài cũng có những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm tìm ra giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển trở lại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh những sự quan tâm về lĩnh vực kinh tế, các vấn đề xã hội mang tính phát triển bền vững như: chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội để phục vụ cho công tác lập pháp của Quốc hội, chuẩn bị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, vấn đề việc làm bền vững, thu nhập cho người lao động… là những nội dung được đề cập tại Diễn đàn. Đây cũng là một bức tranh cụ thể để cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như là các cơ quan, tổ chức có liên quan đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình giúp cho người lao động, các đối tượng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững nhất.
Tôi cho rằng, Quốc hội, các tổ chức đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị trước, kỹ lưỡng các nội dung đưa ra Diễn đàn Kinh tế-xã hội năm 2023 và đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu thực tế đề ra.
Phóng viên: Việc tiếp thu những ý kiến của chuyên gia, đại biểu sẽ được các cơ quan của Quốc hội tiếp thu như thế nào, thưa đại biểu?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan: Về lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia cũng đã chỉ ra tương đối rõ ràng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, rất muốn có hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp để phục vụ cho thay đổi chính sách pháp luật một cách hiệu quả nhất.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Ngoài ra, những giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, đơn hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động cũng là những đề xuất rất đáng trân trọng.
Về lĩnh vực xã hội, qua Diễn đàn, những giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề lao động di cư, việc làm, thu nhập cho người lao động, chính sách về bảo hiểm y tế, nhà ở, đào tạo nghề cũng là những nội dung được các cơ quan lập của Quốc hội quan tâm trong việc tiếp thu ý kiến để nghiên cứu về những thay đổi chính sách pháp luật.
Phóng viên: Đại biểu có những kỳ vọng như thế nào khi những ý kiến đóng góp, đề xuất được đưa ra Diễn đàn trong việc thay đổi thể chế, chính sách?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan: Tôi kỳ vọng, sau Diễn đàn Kinh tế-xã hội năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những mục tiêu đã đặt ra, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp tại Diễn đàn. Việc làm này nhằm để có những thay đổi về thể chế, chính sách cũng như đưa ra cơ chế, nguồn lực, thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống an sinh đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!