ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Tại Kỳ họp thứ 5, góp ý về việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ đồng tình với quy định tại Điều 171 của Dự thảo Luật Đất đau (sửa đổi), theo đó quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp và giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm tạo thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hóa, nàng cao hiệu quả sử dụng đất và để hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, quy định tại Khoản 6 Điều 170 của Dự thảo Luật: “Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này” là không có sự khác biệt về quy định đối với các hộ gia đình, cá nhân ngoài vùng đệm của rừng đặc dụng, hơn nữa vùng đệm của rừng đặc dụng là “khái niệm mền”, trên thực tiễn chưa có sự xác định ranh giới và công nhận cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đề nghị cân nhắc bỏ quy định tại Khoản 6 Điều 170 của Dự thảo Luật để đảm bảo sự thống nhất chung
Liên quan đến các quy định về đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã chỉ rõ những tồn tại. Cụ thể, chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; diện tích đất chưa sử dụng hoặc hoang hóa còn nhiều; xử lý chậm và thiếu kiên quyết đối với các trường hợp sử dụng đất trái quy định. Đồng thời xác định yêu cầu quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật…
Quán triệt chủ trương trên, đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 175 của dự thảo Luật, theo đó Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông trường, lâm trường có trách nhiệm rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty và quản lý, xử lý vướng mắc trong quản lý đất đai và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các công ty theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đất đã cấp Giấy chứng nhận (sau rà soát) cho các công ty nông, lâm nghiệp, thì các công ty này đã đầy đủ địa vị pháp lý của chủ thể sử dụng đất, chúng cũng có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; khi đó quan hệ khoán, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư giữa chủ thể sử dụng đất với người nhận khoán và đối tác là quan hệ kinh tế, dân sự, do vậy Nhà nước không vừa cấp Giấy chứng nhận cho công ty vừa công nhận quyền sử dụng đất trên cùng diện tích đất được. Đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ cụm từ “Công nhận quyền sử dụng đất” tại điểm a Khoản 1 Điều 175 của dự thảo Luật; và viết lại là “a) Cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích công nhận cho tổ chức đang sử dụng đúng mục đích theo phương án đã được phê duyệt;”
Đối với việc dự thảo Luật quy định đối với việc xử lý diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường mà tổ chức sử dụng đất đã giải thể và diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao cho địa phương. Chúng tôi đồng tình giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận phần diện tích đất này và quyết định việc sử dụng vào mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; cho cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; công nhận quyền sử dụng đất cho người đang nhận khoán, người đang thuê đất của các công ty nông, lâm nghiệp; xác định quỹ đất để sử dụng vào mục đích công cộng, các mục đích khác của địa phương theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm.
Theo đại biểu Đồng, thực tiễn đã và đang có nhiều người nhận khoán không sử dụng đất đúng mục đích, chuyển đổi, mua bán đất nhận khoán thu lợi bất chính, trái quy định pháp luật cũng cần xử lý theo hướng thu hồi đất này; đồng thời chỉ “hợp pháp hóa đối với các trường hợp chấp hành đúng pháp luật.
Do vậy, để đảm bảo quy định pháp luật đúng đắn, tránh phức tạp trong quản lý, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cụm từ “đúng quy định của pháp luật” tại điểm c Khoản 3 Điều 175 của dự thảo Luật; và viết lại là “Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất đúng quy định của pháp luật”.
Đối với nội dung về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, đại biểu nhấn mạnh, tích tụ và tập trung đất trong nông nghiệp đã và đang phát sinh và là nhu cầu ngày càng phổ biến trên cả nước xuất phát từ nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn hơn với tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và ứng dụng công nghệ mới cả về sinh học và công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; đồng thời cũng góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất manh mún và tăng cường thu hút đầu tư và quản trị tiến bộ vào nông nghiệp nông thôn, kích thích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung Điều “185. Tập trung đất nông nghiệp” và Điều “186. Tích tụ đất nông nghiệp” là cần thiết và phù hợp. Đại biểu nhất trí với quy định có tính định “khung” về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp đối với những quy định pháp luật mới này.
Tuy vậy, về mặt kỹ thuật xây dựng luật, đại biểu đề nghị cân nhắc vì Điều 185 và 186 của dự thảo Luật có nhiều quy định tương tự: Khoản 1 của hai Điều này hoàn toàn trùng về nội dung; một phần Khoản 3 Điều 185 giống với toàn bộ Khoản 3 Điều 186; Khoản 5, 6 Điều 185 giống như Khoản 4, 5 Điều 186. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất xem xét điều chỉnh theo 2 hướng: (1) gộp hai Điều này vẫn giữ nguyên nội dung quy định như dự thảo với kết cấu Khoản, điểm hợp lý; (2) nếu giữ 2 Điều thì những nội dung quy định tại Điều 186 trùng với Điều 185 trình bày theo hình thức viện dẫn./.