DỰ KIẾN BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI 05 VẤN ĐỀ LỚN TRONG TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
THIẾU TƯỚNG TỐNG VIẾT TRUNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ HƠN KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẾN TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh. Đề cập về nội dung này, trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Tiến sĩ Vương Quốc Thắng - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết và là một chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống.
TS.Vương Quốc Thắng - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phóng viên: Thưa đại biểu, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện có những bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn. Đại biểu có thể cho biết đó là những vướng mắc gì?
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung có thể tóm lược như sau:
- Phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.
- Thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội cần có hành lang pháp lý cụ thể.
- Thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước.
- Thiếu các quy định về trách nhiệm của các chủ quản nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
- Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng nên được sửa đổi để đồng bộ với các quy định về an toàn, an ninh mạng do các luật đã ban hành.
Phóng viên: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã giải quyết những vướng mắc đó như thế nào, thưa đại biểu?
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã kế thừa 31 điều (giữ nguyên: 01 điều, sửa đổi: 30 điều), bổ sung mới 26 điều và lược bỏ 23 điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Trong đó, các điểm mới, nổi bật trong dự thảo Luật có thể đề cập ở những vấn đề sau:
- Bỏ loại trừ phạm vi không áp dụng của Luật Giao dịch điện tử 2005 để mở rộng phạm vi áp dụng có tất cả các hoạt động đời sống xã hội.
- Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã bổ sung các quy định để đảm bảo giao dịch điện tử toàn trình, việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử. Từ đó, đảm bảo cho việc tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, tránh việc từ chối hoặc yêu cầu bổ sung là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.
Dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023.
- Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã bổ sung giao kết hợp đồng qua hệ thống thông tin tự động, bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
- Quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử; Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của tài khoản giao dịch và dịch vụ tạo lập tài khoản, xác thực điện tử; Quy định đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Quy định về dịch vụ tin cậy và hỗ trợ giao dịch điện tử; Quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; Quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử, Quy định về dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến.
Phóng viên: Một trong những giải pháp là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử. Xin đại biểu cho biết quan điểm khi mở rộng giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của của đời sống xã hội, pham vi điều chỉnh được mở rộng đến đâu và nếu mở rộng như vậy sẽ tác động đến xã hội như thế nào?
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Việc loại trừ một số lĩnh vực trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là do tại thời điểm đó công nghệ chưa sẵn sàng, chưa phổ biến, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy. Đến thời điểm hiện nay, công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, đáp ứng được yêu cầu đặt ra (Chữ ký số khó giả mạo hơn chữ ký tay; Nhận dạng khuôn mặt bằng máy chính xác hơn nhận dạng khuôn mặt bằng mắt thường). Do đó, việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung thì vô hình dung trở thành một trong số những hạn chế gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này.
Nhằm giải quyết vướng mắc, bất cập để triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực bị loại trừ. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh theo tôi là cần thiết và là một chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân tích đánh giá tác động chi tiết, đầy đủ trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Chính phủ và đã được Chính phủ thông qua chính sách này tại Nghị quyết 152/NQ-CP ngày 03/12/2021.
Mặt khác, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử nên việc mở rộng này cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử. Việc áp dụng một phần, toàn phần hay chưa áp dụng giao dịch điện tử trong hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn,… thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí so với giao dịch truyền thống. Có thể nêu ví dụ như:
+ Giao dịch về thủ tục hành chính của người dân với cơ quan Nhà nước trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Nếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, mỗi giao dịch này sẽ mất tối thiểu 02 lần đi lại/giao dịch; trung bình 01 lần đi lại là 02 lượt (đi và về), trung bình 01 giờ mỗi lượt. Như vậy, để thực hiện thành công 01 giao dịch đảm bảo tuân thủ thủ tục hành chính, người dân sẽ mất tối thiểu khoảng 02 giờ đi lại (không kể thời gian làm tờ khai, đơn). Nếu thực hiện thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử (thay vì theo cách truyền thống) thì số tiền tiết kiệm tối thiểu ước tính tối thiểu là khoảng 9.011,4 tỷ đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm được từ sao chụp, chứng thực, di chuyển, sao chụp, ước tính tiết kiệm được chi phí cho xã hội tối thiểu ước khoảng 2.592 tỷ đồng/năm.
+ Chi phí cho các hoạt động chứng thực thông tin liên quan tới doanh nghiệp có thể tiết kiệm được tối thiểu ước khoảng 2.019,5 tỷ đồng/năm.
Theo kinh nghiệm quốc tế, một số quốc gia cũng không có quy định các lĩnh vực loại trừ (Hàn Quốc, Indonesia, Philippines,…), có quốc gia chỉ nêu các trường hợp loại trừ ở các văn bản dưới luật nhằm dễ dàng thay đổi khi điều kiện thực tiễn cho phép (Thái Lan), có quốc gia đã thu hẹp phạm vi các lĩnh vực loại trừ trong Luật (Singapore).
Phóng viên: Khi mở rộng phạm vi điều chỉnh đến gần như tất cả các lĩnh vực của đời sống như vậy, có một quan ngại là làm thế nào để đảm bảo được an toàn thông tin cá nhân, không bị lộ, lọt. Vấn đề này được giải quyết thế nào, thưa đại biểu?
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Luật An toàn thông tin mạng đã có 01 mục tại Chương II quy định về bảo vệ thông tin cá nhân (trong đó quy định về: Nguyên tắc bảo vệ, thu thập và sử dụng, cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ, bảo đảm an toàn thông tin và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng) và Điều 26 Luật An ninh mạng đã quy định bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, trong đó quy định trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam. Dẫn chiếu từ 02 Luật này, Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, hiện Dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân đang trong quá trình dự thảo và hoàn thiện.
Phóng viên: Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Việc tiếp thu, sửa đổi theo các ý kiến đó hiện được thực hiện đến đâu, thưa đại biểu?
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tổng số có 77 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết và đều mang tính xây dựng, các ý kiến phát biểu rất phong phú, đa chiều, dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Những ý kiến này rất có giá trị để góp phần hoàn thiện dự án Luật.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã lắng nghe, ghi chép cẩn thận, nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Hiện tại, Thường trực Ủy ban vẫn trong quá trình hoàn thiện và cố gắng tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội ở Kỳ họp tới. Có thể tóm tắt một số nội dung tiếp thu các ý kiến như sau:
Vấn đề về các thuật ngữ: Luật Giao dịch điện tử có nhiều thuật ngữ có tính chuyên môn hoá cao. Một số thuật ngữ được tham khảo, dịch thuật từ luật quốc tế, tuy đã được ban hành từ năm 2005 như thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, nhưng vẫn chưa thân quen với nhiều người. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi bổ sung thêm thuật ngữ dịch vụ tin cậy. Có thể nói, Tổ thường trực xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) luôn cố gắng dịch thuật các thuật ngữ nước ngoài để đảm bảo ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu, và sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa, để có thể có được một bộ luật về một vấn đề mới, trừu tượng, nhưng lại dễ hiểu.
Vấn đề về phạm vi áp dụng: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng đến mọi lĩnh vực. Việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chữ ký điện tử đã được cụ thể hoá các hình thức như chữ ký số, chữ điện tử sử dụng dùng riêng và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong Luật. Việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực đã lược bỏ loại trừ vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan khi muốn chuyển sang giao dịch điện tử. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể cách thức, lộ trình để triển khai giao dịch điện tử trong từng lĩnh vực tương ứng.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tương đối phức tạp, khó, nhưng lại có thuận lợi là nhiều nước đã đi trước chúng ta, cho nên có thể tham khảo, học hỏi được nhiều. Bởi vậy, hiện tại Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vẫn đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông - Tổ thường trực xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tiếp tục:
- Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung đảm bảo theo kịp với xu thế của thế giới mà vẫn phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.
- Làm việc với các cơ quan liên quan theo từng chuyên đề sâu để phối hợp chỉnh sửa toàn diện.
- Xin ý kiến các chuyên gia độc lập, chuyên gia của các lĩnh vực đang triển khai mạnh giao dịch điện tử trong thời gian vừa qua để tiếp thu chỉnh sửa đảm bảo tính khả thi khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được ban hành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!