QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
ĐBQH NGUYỄN CHU HỒI: MINH BẠCH GIÁ ĐẤT NHẰM HẠN CHẾ CUỘC ''CHẠY ĐUA'' GIỮA CÁC NHÓM LỢI ÍCH
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhấn mạnh: Luật Đất đai là bộ luật rất quan trọng, có tác động đến mọi mặt của đời sống, đồng thời có mối quan hệ và ảnh hưởng đến việc thực thi nhiều luật khác. Việc sửa đổi Luật Đất đai là đòi hỏi cấp thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế hóa Nghị quyết 18 của Đảng, giải quyết những chồng chéo, vướng mắc, bất cập về đất đai và bổ sung những vấn đề mới phát sinh, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Qua ý kiến cử tri, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đóng góp một vài nội dung nhằm từng bước hoàn thiện thêm đối với dự án luật quan trọng này.
Vấn đề thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai tại Mục 3 Chương II. Qua nghiên cứu cho thấy, việc dự thảo luật bổ sung một mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai là rất phù hợp, nhằm đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng, đó là nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, trong toàn bộ Chương II của dự thảo luật quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và công dân đối với đất đai có tất cả 21 điều, nhưng có đến 18 điều quy định rất chi tiết về quyền, trách nhiệm của Nhà nước và chỉ dành có 3 điều để đề cập rất khái quát những vấn đề chung về quyền và nghĩa vụ của công dân là chưa rõ và chưa có sự tương xứng cả về bố cục và thể hiện nội dung. Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội hàm, làm rõ hơn những quy định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Mục 3 Chương II, nhất là các khoản có liên quan đến người dân như là tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận và dễ áp dụng hơn trong thực tiễn.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 76. Có thể nói, việc lấy ý kiến nhân dân, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chính là cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 18. Nếu thực hiện tốt, vấn đề này sẽ khắc phục được những hạn chế trong thời gian qua, nhất là đối với vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Chính vì vậy, tại Điều 76, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định cụ thể hơn về cách thức triển khai đến các đối tượng chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp, quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề mà người dân chưa đồng thuận; đồng thời cần quy định rõ về tỷ lệ tán thành của người dân là bao nhiêu mới được xem là đạt để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua. Đây là vấn đề cần phải quy định chặt chẽ và phải thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch nhằm khắc phục tình trạng hình thức, góp phần bảo đảm quyền làm chủ thực sự của người dân đúng theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cơ bản thống nhất với các nguyên tắc được xác định tại Điều 97, đặc biệt là nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là một trong những quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng, phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để lượng hóa được vấn đề này, nhằm vừa thực hiện đúng và vừa đáp ứng được đầy đủ theo yêu cầu của người dân là rất khó và rất dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng. Có thể nói, việc thu hồi, bồi thường về đất là một trong những vấn đề luôn có tính thời sự và phát sinh nhiều vấn đề khác có liên quan. Do đó, việc quy định rõ ràng để hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai là một trong những cách thức để tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phát sinh. Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể hơn để định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tín hiệu lực hiệu quả và khả thi trong thực tiễn.
Đối với nguyên tắc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, tại khoản 3 Điều 97. Thực tế cho thấy, nội dung quy định như vậy chính là nhằm tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động trên cơ sở nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác với mục đích sử dụng của loại đất bị thu hồi nhưng phải có giá trị tương đương với đất bị thu hồi. Đồng thời, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cần quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất với tinh thần thỏa đáng, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sau này.
Vấn đề thứ tư là, về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, tại Điều 57, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cơ bản thống nhất với việc nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, bởi lẽ đây là vấn đề phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung quan trọng, nhạy cảm. Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu, có quy định rõ ràng hơn về điều kiện và có cơ chế cụ thể hơn để kiểm soát, tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm mục tiêu đầu cơ, không phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp./.