Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đánh giá cao chất lượng dự thảo Luật Đất đai trình tại kỳ họp này, đại biểu Phạm Văn Thịnh ghi nhận, cơ quan soạn thảo đã rất công phu, lắng nghe, tiếp thu, phản biện nhiều chiều với tinh thần cầu thị, tháo gỡ hầu hết các vướng mắc hiện nay và với quan điểm phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã sát sao đồng hành cùng với cơ quan soạn thảo. Theo đại biểu, với tinh thần như vậy, chắc chắn khi luật chính thức được ban hành sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì thực tiễn cho thấy việc duy trì cơ chế thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận, giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận.
Theo đại biểu, cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến trăm lần so với dự án thỏa thuận hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại là người được nhận giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước.
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Nêu rõ, việc hạn chế các dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thỏa thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị không chỉ danh mục các dự án nêu tại Điều 86 trong dự thảo mà toàn bộ nội dung của Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 cần được giữ nguyên và bổ sung thêm, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa. Danh mục các dự án nhà nước thu hồi theo Điều 62 Luật 2013 là rất xác đáng, nhưng nay theo Điều 86 dự thảo luật thì vẫn có nhiều dự án chưa được đưa vào, như các đại biểu phát biểu trước đó. Ví dụ, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, công trình thu gom, xử lý chất thải, hệ thống dẫn chứa xăng, dầu, khí đốt đầu mối, nhà máy điện trong quy hoạch do doanh nghiệp gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước thực hiện thì lại chưa có trong danh mục, đại biểu nêu rõ.
Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung thêm trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích. Đại biểu cho rằng, điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, hạn chế thất thoát, tạo lập công bằng xã hội trong giao đất, cho thuê đất, sau khi nhà nước thu hồi cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp. Đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch.
Về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, đại biểu cho rằng quy định như điểm a, b, khoản 1 Điều 61 của dự thảo Luật là chưa phù hợp với các tỉnh, đô thị mới bước vào giai đoạn đầu phát triển. Vì thực tế quy hoạch đô thị có tầm nhìn 10 năm, 20 năm, nên tại thời điểm triển khai dự án thì khu vực quy hoạch có hiện trạng là địa bàn nông thôn, nếu bắt xây nhà 100% mới đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ rất khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định mềm hơn, theo hướng yêu cầu xây thô một tỷ lệ nhất định, khoảng 10% đến 20% số lô đất ở của dự án nằm trên các trục tuyến đường chính khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch là phù hợp.
Đại biểu tham dự phiên họp tại hội trường
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật nên nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Việc nhà nước giao, chứng nhận quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đại biểu chỉ rõ: Thứ nhất, đối với các dự án có quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ hạn chế đầu cơ đất phân lô, bán nền mà khuyến khích đầu tư vào giá trị của tài sản trên đất. Thứ hai, kéo giảm giá đất ở. Thứ ba, quỹ đất và quyền sở hữu của Nhà nước sẽ không mất đi mà ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho Nhà nước thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình được thuận lợi, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo chỗ ở cho người dân phù hợp với thu nhập của từng đối tượng.
Đại biểu cho rằng, đây chắc chắn sẽ là xu thế bắt buộc nếu Nhà nước muốn đạt được mục tiêu đưa đất đai trở lại vai trò chính là tư liệu sản xuất mà không phải là hàng hóa đầu cơ ưa thích, liên tục tăng giá hàng thập kỷ và mục tiêu đảm bảo đáp ứng được chỗ ở cho mọi người dân phù hợp với mức thu nhập của mình.
Ngoài ra, nếu bổ sung quy định này thì vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng trên 90.000 căn hộ, khách sạn condotel, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại, văn phòng lưu trú, Officetel, căn hộ du lịch, căn hộ thương mại sẽ được tháo gỡ, tài sản của hàng vạn nhà đầu tư sẽ chính danh và có tính thanh khoản. Nhà nước không chỉ tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân mà còn tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế hình thành nợ xấu, giảm thiểu rủi ro trong thị trường tài chính, một mũi tên nhưng trúng nhiều đích.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng chia sẻ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong 3 kỳ họp, với tinh thần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Chính phủ, sự đồng hành chặt chẽ của Quốc hội, cử tri tin tưởng rằng dự luật lần này khi được thông qua chắc chắn sẽ là động lực lớn cho đất nước phát triển, đất đai sẽ thực sự phát huy được chức năng chính là tư liệu sản xuất. Đại biểu nhấn mạnh Luật ban hành sẽ là cơ sở để Nhà nước đạt được 3 mục tiêu quan trọng trong quản lý đất đai, đó là đảm bảo được chỗ ở cho nhân dân, đảm bảo quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững và việc có mặt bằng để triển khai dự án công trình sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng.