TỔNG THUẬT SÁNG 20/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Kỳ họp đặt trọng tâm công tác xây dựng pháp luật
Hướng đến mục tiêu đã đặt ra trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật khác.
Cụ thể, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4
Cũng tại Kỳ họp, Luật Dầu khí sẽ được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực (từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước) nhằm xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành sửa đổi Luật Thanh tra nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Cùng với đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở dự kiến được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Được xem xét, thông qua theo quy trình 1 Kỳ họp, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng dự kiến được thông qua nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thi hành Luật; thể hiện Việt Nam là thành viên của khu vực cũng như trên thế giới có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng pháp luật
Bàn về việc nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật thông qua các biện pháp cụ thể, trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, sự đổi mới về tư duy, nhận thức, phương pháp tiếp cận của các chủ thể tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở tạo nên những chuyển biến mang tính bứt phá đối với công tác này. Theo đó, cần thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật không chỉ trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà còn phải phúc đáp kịp thời yêu cầu cấp bách của thực tiễn, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhất là đổi mới phương thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật; tiếp tục triển khai, đồng thời, tổng kết, đánh giá về cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội chia làm hai đợt để có khoảng thời gian giữa hai đợt dành cho công tác nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng văn bản được Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Cùng với đó, cần tổ chức hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đổi mới mạnh mẽ về cách thức, phương thức thẩm tra; nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số trong các hoạt động này; tiếp tục tăng cường tham vấn, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động thẩm tra; phát huy trí tuệ của các thành viên Hội đồng, Ủy ban; tổ chức tốt hơn hoạt động phối hợp thẩm tra giữa các cơ quan của Quốc hội; tăng cường hoạt động giám sát, giải trình gắn với công tác lập pháp, thông qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung; tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng pháp luật theo hướng phân công, phân nhiệm hợp lý, rõ ràng và phát huy tối đa khả năng, nâng cao trách nhiệm của từng chủ thể trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là của cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành. Cụ thể, cần tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội, nhất là giám sát đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời yêu cầu Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết có phát sinh vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành.