Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật cần quy định rõ về khái niệm “dân chủ”. Đại biểu đề nghị tại phần giải thích từ ngữ ở Điều 2 cần bổ sung khái niệm dân chủ vào trong dự thảo luật, với ý nghĩa dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do, quyền con người. Đồng thời, trong dự thảo luật cần nêu rõ bản chất của dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 2 giải thích về khái niệm “cơ sở”, đại biểu bày tỏ đồng tình với hướng quy định, cơ sở là đơn vị cấp cuối cùng, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác của một hệ thống tổ chức trong quan hệ với các bộ phận lãnh đạo cấp trên, như chi bộ cơ sở, công đoàn cơ sở, cán bộ cơ sở. Tuy nhiên khoản 1 Điều 2 quy định cơ sở là cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, v.v.. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ, chưa bao gồm hết các cơ quan, đơn vị của tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Nhà báo, v.v.. Chính vì vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm những cơ quan này để đảm bảo phạm vi điều chỉnh.
Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng gọi chung là doanh nghiệp, đại biểu cho rằng quy định này chưa thật sự phù hợp và chưa đủ sức thuyết phục, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm nội dung này. Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định "doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê, mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động được gọi chung là doanh nghiệp", đại biểu cũng cho rằng quy định này chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì hợp tác xã và các tổ chức khác đã được quy định rất rõ, chính vì vậy sẽ phù hợp hơn nếu chúng ta gọi chung là “tổ chức kinh tế”. Theo đó, tổ chức kinh tế được hiểu là tổ chức "được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh", theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung này.
Bên cạnh đó, về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Ban Giám sát đầu tư cộng đồng", theo đó cần làm rõ đây là tổ chức gì, do ai thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức như thế nào, để tránh trùng lặp với quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân khi đưa vào dự thảo luật lần này.
Về hình thức công khai, niêm yết và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã ở Điều 12, đại biểu cho rằng dự thảo luật lần này phù hợp với việc hiện đại hóa, đặc biệt là công nghệ thông tin hiện nay trong thời kỳ 4.0. Tuy nhiên, ở khoản 1 Điều 12 dự thảo luật có quy định là "tại nơi đã thiết lập trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử cấp xã, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử, v.v.". Đại biểu đề nghị bổ sung "đối với những nơi chưa thiết lập trang thông tin điện tử cần áp dụng hình thức công khai khác" để đảm bảo tính phổ quát hơn của quy định.
Về Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu bày thống nhất cao với việc chuyển các quy định về Ban Thanh tra nhân dân sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo quy định hiện hành, Ban Thanh tra nhân dân được lập ở xã, phường, thị trấn do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do công đoàn cơ sở cơ quan, doanh nghiệp hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn cơ bản là hiệu quả, tuy nhiên, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, v.v. còn khó khăn và hiệu quả thấp. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, bên cạnh các quy định như trong dự thảo luật lần này nên có những cơ chế để đảm bảo cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn trong thời gian tới.
Về nội dung công khai để nhân dân biết theo quy định của dự thảo luật lần này, đại biểu đề nghị dự thảo luật nên nghiên cứu, kế thừa các quy định về nội dung công khai thông tin để nhân dân biết theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khoản 1 Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin. Trong đó cần cân nhắc bổ sung các quy định căn cứ điều kiện thực tế chính quyền cơ sở có thể lựa chọn cung cấp thêm nội dung thông tin công khai để nhân dân biết với các điều kiện là thông tin không thuộc trường hợp thông tin không được tiếp cận hoặc thông tin được tiếp cận có điều kiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan.
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ việc công khai thông tin về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình chính quyền cơ sở ban hành các quyết định quản lý hành chính có liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ làm chấm dứt, hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đối tượng thi hành.
Bên cạnh việc hoàn thiện quy định của pháp luật về quy chế dân chủ ở cơ sở, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở thông qua việc ban hành các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Trong đó chế độ, chính sách đãi ngộ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, chất lượng công việc. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị tạo điều kiện và đảm bảo cơ sở có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tạo thêm nguồn thu ngoài nguồn thu ngân sách và quy định các khoản chi thường xuyên theo định mức. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối cán bộ, công chức cấp cơ sở là một quá trình, về khách quan phụ thuộc vào điều kiện phát triển tế - xã hội, về chủ quan đòi hỏi đổi mới tư duy của những người, những cơ quan hoạch định chế độ, chính sách.