Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. HCM
Ngày 23/11/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM về năng lực đội ngũ làm công tác thanh tra, pháp chế của Bộ Xây dựng.
Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. HCM như sau:
Câu 1: Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ. Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế chưa?
Câu 2: Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ. Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác thanh tra của Bộ hay chưa?
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Câu 1:
1. Bộ Xây dựng luôn xác định công tác thanh tra, pháp chế là các nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách của Nhà nước; chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện các Nghị định của Chính phủ về công tác pháp chế, Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế phù hợp theo từng thời kỳ. Theo đó, Vụ Pháp chế thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ được Chính phủ giao. Với chức năng, nhiệm vụ được giao và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Lãnh đạo Bộ, thời gian qua, Vụ Pháp chế của Bộ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đã chủ trì soạn thảo hoặc tham gia phối họp nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Xây dựng năm 2003, 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, 2014, Luật Nhà ở 2005, 2014...Và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật. Hiện tại, Vụ Pháp chế cũng là đơn vị được Bộ giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện thể chế đặc biệt quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị...; rà soát, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng...Các nhiệm vụ nêu trên đã và đang được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
2. Bộ thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại Vụ Pháp chế và tại các đơn vị trực thuộc Bộ. Cán bộ, công chức làm công tác pháp chế hiện tại của Bộ Xây dựng đều có trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành Luật hoặc chuyên ngành Xây dựng, chuyên ngành khác đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ pháp chế hầu hết đều có kinh nghiệm thực hiện công tác pháp chế từ 5 năm trở lên, có ý thức trách nhiệm cao và tâm huyết với công việc.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức thực hiện công tác pháp chế tại Bộ có 82 người, trong đó có 14 người thuộc Vụ Pháp chế và 68 người thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, với khối lượng công việc ngày càng nhiều và yêu cầu chất lượng ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện nay, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ pháp chế của Bộ hiện tại vẫn còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Ngoại trừ Vụ Pháp chế làm nhiệm vụ pháp chế của Bộ, hiện tại phần lớn các đơn vị khác của Bộ không có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ pháp chế nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả của công tác pháp chế nói chung.
3. Để củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Vụ Pháp chế và bộ phận làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ, Bộ sẽ rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để có kế hoạch bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế trong thời gian tới; đồng thời, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác pháp chế; thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong từng lĩnh vực tham gia vào đội ngũ cộng tác viên xây dựng pháp luật.
Câu 2:
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
1. Theo quy định của Luật Thanh tra sổ 56/2010/QH12, Thanh tra Bộ Xây dựng là cơ quan thanh tra nhà nước, có chức năng: “Thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước vê công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chổng tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chổng tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Thanh tra xây dựng “Thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về xây dựng đoi với tố chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây ảựng\ Nội dung thanh tra chuyên ngành Xây dựng được quy định tại Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, bao gồm: Quy hoạch, kiến trúc; đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý sử dụng hạ tầng kỹ thuật; quản lý sử dụng nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
2. Cơ cấu, tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, bao gồm: Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các phòng: Tổng hợp; Tiếp Công dân; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng, chống tham nhũng; Giám sát, kiểm tra và Xử lý sau thanh tra và 04 phòng Thanh tra chuyên ngành với 175 cán bộ, công chức, thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp, trong đó: 52 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 120 cán bộ trình độ kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân kinh tế và luật; 75% là thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp. Năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ hiện nay phù hợp với tiêu chuẩn chung quy định tại Luật Thanh tra; đáp ứng nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử iý các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp chỉ đạo công tác của Thanh tra Bộ. Trong giai đoạn 2012 - 2017, Thanh tra Bộ đã tiến hành tổng số 471 cuộc thanh tra, bình quân 94 cuộc/năm, tổng số tiền yêu cầu giảm trừ giá trị thanh toán và thu hồi về ngân sách nhà nước đạt 11.606,4 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 26,7 tỷ đồng. Ngoài xử lý kinh tế, các kết luận thanh tra còn kiến nghị các cấp có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm 98 tổ chức, 175 cá nhân có hành vi vi phạm; chuyển 03 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; kiến nghị bãi bỏ một số quy định của địa phương không phù hợp với quy định pháp luật; đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng. Các kết luận thanh tra đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.
4. Với lực lượng hiện có, Thanh tra Bộ đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ và thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Để củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra Bộ, Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính sau: Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực chuyên môn, số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm toán Tăng cường sự phối hợp với các địa phương, thanh tra xây dựng các tỉnh, thành phố.
Toàn bộ nội dung văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.