Nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa chủ yếu là bác sỹ, nhà khoa học, kỹ sư, còn nhân vật nữ chủ yếu là nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng
76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học phổ thông có gần 8.300 nhân vật được đề cập, trong đó nam giới chiếm 69%, nữ chiếm 24%. Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ nhân vật nam xuất hiện trong sách giáo khoa chỉ ở mức 51%. Nhưng lên tới cấp trung học phổ thông, con số này đã tăng lên thành 81%. Đây là những con số trong Báo cáo nghiên cứu vấn đề giới trong sách giáo khoa của Việt Nam do Tổ chức UNESCO thực hiện.
Báo cáo cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giới còn thể hiện ở hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ, chưa phản ánh được xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa đa dạng hơn. Nếu nữ chỉ làm nội trợ, giáo viên, nhân viên văn phòng thì nhân vật nam trong sách giáo khoa là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội, là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định. Vô tình những hình minh họa này đã tác động không nhỏ đến nhận thức của học sinh, đến quá trình hình thành nhân cách, suy nghĩ, thái độ, cách nhìn nhận, hành vi ứng xử của các em ngay từ trong nhà trường.
Dù không đề cập cụ thể nội dung bất bình đẳng giới, nhưng rõ ràng sách giáo khoa Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những khuôn mẫu giới. Điều này thực sự đáng lo ngại, bởi bất bình đẳng giới xuất phát từ chính những định kiến giới được hình thành từ các chuẩn mực và khuôn mẫu giới do xã hội tự đặt ra cho nam và nữ.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, UNESCO
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, tổ chức UNESCO cho biết, hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa hiện nay vẫn thể hiện theo hướng phụ nữ gắn liền với những công việc như nội trợ, lao động đồng áng, bán hàng, trồng cây cối… Trong khi đó, nam giới lại được minh họa gắn liền với hoạt động khoa học kỹ thuật, kỹ sư, bác sỹ, phi công… Nếu như vấn đề bình đẳng giới không được coi trọng và chú ý trong sách giáo khoa, sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Đơn cử như nạn bắt nạt ở học đường cũng xuất phát từ việc nam giới cho rằng mình mạnh mẽ, có quyền uy, có quyền được ra lệnh, hay mình có thể đối xử một cách bạo lực với người khác. Ngoài ra, khi các em lớn lên, những định kiến tăng dần sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp, quá trình làm việc sau này, do ảnh hưởng của định kiến về giới đã tồn tại ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Về ý kiến này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý để có sự định hướng phù hợp về yếu tố bình đẳng giới trong chương trình mới. “Chúng tôi sẽ coi vấn đề về bình đẳng giới là nội dung chính trong chương trình mới chứ không đơn thuần là lồng ghép, đặc biệt sẽ là nội dung chính của một số môn như giáo dục công dân, các môn học khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm... và triển khai dạy tích hợp trong một số môn, trong đó có môn Ngữ văn” - GS Thuyết nói.
Định kiến giới sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh
Tháng 11/2006, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam về bình đẳng giới. Thậm chí, nhiều tổ chức của Liên hợp quốc đã xác nhận: Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện tốt quyền bình đẳng giới. Và một vài vấn đề tưởng chừng như nhỏ trong sách giáo khoa của hệ thống giáo dục Việt Nam lại không hề nhỏ, có tác động mạnh đến ý thức, nhận thức ngay tới lớp trẻ, những thế hệ mầm non của đất nước.
Để thông tin trong sách giáo khoa tại các cấp học phổ thông không chỉ chứa đựng thông tin hữu ích, mà còn đảm bảo sự bình đẳng giới, giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện, theo một số đại biểu Quốc hội, cần thay đổi nhận thức từ chính những người tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Thời gian qua, bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm. Trong kỳ họp thứ 4 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Báo cáo bình đẳng giới đã được đưa ra trình và thảo luận trước Quốc hội. Như vậy, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Việt Nam đảm bảo thực thi quyền bình đẳng giới là rất cụ thể, rõ ràng”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, nhóm biên soạn sách giáo khoa cũng cần có kiến thức về giới và quan điểm giới rõ ràng để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy ban Thường trực Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Có sự bất bình đẳng giới ngay trong chương trình sách giáo khoa. Điều này đã được cảnh báo ngay từ khi xây dựng chương trình sách giáo khoa năm 2000 nhưng không được khắc phục. Thời gian gần đây, khi chuẩn bị xây dựng chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 năm 2014/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì vấn đề bất bình đẳng giới trong chương trình sách giáo khoa lại được nhắc tới rất nhiều. Tuy nhiên, từ quan điểm đến việc triển khai thực hiện là khoảng cách rất xa”.
Các tác giả sách giáo khoa cũng phải có kiến thức về giới, cũng như có quan điểm giới thật rõ ràng thì mới có thể khắc phục được tình trạng này. Bên cạnh đó, để nội dung về giới cần được đưa vào chương trình, lồng ghép trong các bài học; còn đội ngũ giáo viên, trong quá trình triển khai các bài dạy cũng cần quan tâm tới vấn đề lồng ghép giới, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.
Những hạn chế về bình đẳng giới trong trường học không phải là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới trong xã hội mà ngược lại, chính định kiến về giới, bất bình đẳng giới đang tồn tại dai dẳng trong xã hội là nguyên nhân dẫn tới hạn chế về giáo dục bình đẳng giới trong trường học. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chương trình sách giáo khoa cần coi giáo dục bình đẳng giới, giáo dục giới tính là nội dung quan trọng và cần được tổ chức dạy học bài bản, hệ thống hơn. Các hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa cũng cần tránh định kiến giới.
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị quy định trong Luật giáo dục nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng giới trong trường học
Còn bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII thì nhận định, mặc dù ở Việt Nam đã có bước tiến lớn về bình đẳng giới và được thế giới thừa nhận. Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn tồn tại khá dai dẳng trong cuộc sống, ngay từ trang sách ở các cấp học phổ thông.
Vì vậy, thời gian tới, khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ cần đưa các quy định về giáo dục giới tính vào luật, đặc biệt yêu cầu rà soát kỹ từng trang sách, từ cấp học mẫu giáo, lên tới trung học phổ thông để việc thực hiện chính sách về bình đẳng giới hiệu quả hơn./.