ĐBQH BỐ THỊ XUÂN LINH: THỐNG NHẤT VIỆC MỞ RỘNG NGUỒN ĐỂ TUYỂN CHỌN, BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TANDTC

28/05/2024

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất về việc mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về về bậc Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Về việc mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (khoản 2 Điều 96), đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thống nhất với việc mở rộng nguồn để tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với luật sư, giảng viên đại học... Tuy nhiên, đại biểu cho rằng có một số từ, cụm từ quy định tại khoản này còn mang định tính, khó áp dụng trong thực tiễn. Ví dụ như: cụm từ “Người giữ chức vụ cao”, “am hiểu sâu sắc” tại điểm a, những người giữ chức vụ nào được xem là chức vụ cao theo quy định này? Và người có trình độ, kinh nghiệm ra sao thì được xem là “am hiểu sâu sắc”? Hay cụm từ “có trình độ cao về pháp luật” nêu tại điểm b, thì được xem xét ở mức trình độ nào (cử nhân, thạc sỹ hay tiến sỹ Luật). Để thuận lợi khi áp dụng trong thực tế, đại biểu kiến nghị sửa đổi bổ sung khoản 2 theo hướng lượng hóa được các tiêu chuẩn điều kiện cụ thể đối với quy định nêu trên. Trường hợp không quy định cụ thể trong dự thảo Luật thì nên bổ sung điều khoản quy định giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể khoản 2 Điều này.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Về giám sát hoạt động của Tòa án (Điều 21), đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân” tại khoản 2 Điều 21, vì theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân không có thẩm quyền giám sát Tòa án nhân dân, do đó đề nghị bỏ cụm từ trên để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Về bậc Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án (Điều 114, Điều 118), đại biểu nhất trí Phương án 2. Đại biểu cho rằng việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc Thẩm tra viên Tòa án, bậc Thư ký Tòa án theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, không quy định ngạch Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án là phù hợp với đặc thù công tác Tòa án, bởi lẽ: Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án là các chức danh tư pháp độc lập, không phải là công chức hành chính thông thường; Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật. Pháp luật hiện hành không quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp. Thực tế hiện nay theo chúng ta chưa xây dựng được vị trí việc làm cho các chức danh Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

Về bảo vệ Tòa án, đại biểu cho rằng việc quy định trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao là mục tiêu quan trọng về chính trị cần được lực lượng cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là phù hợp, vì đây là nơi xét xử các vụ án rất phức tạp và lưu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu quan trọng của các vụ án liên quan đến bí mật an ninh quốc gia, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng với mức án cao nhất là tử hình, đồng thời qua đó, xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của Toà án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao trong hệ thống chính trị. Quy định này cũng sẽ kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các tình huống phát sinh tại các Tòa nay như: gây rối trật tự, hành hung thẩm phán tại Tòa...

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật như sau: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.” với lý do sau:

Thứ nhất, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định tại Điều 3 Hiến pháp “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”

Thứ hai, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình... Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,... Các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Thứ ba, để bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Thứ tư, việc quy định tại khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật không hẹp hơn so với Luật Báo chí. Luật báo chí quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Luật này và pháp luật có liên quan cho phép đến đâu thì báo chí được thực hiện đến đó.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác