ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG: RÀ SOÁT CƠ CHẾ ĐẶC THÙ BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG

27/05/2024

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị cần rà soát, bổ sung các quy định về đối tượng tham gia, về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 27/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 3), đại biểu Trần Thị Thu Đông tiếp tục kiến nghị đưa thêm đối tượng thành viên của tổ hợp tác  (cụ thể là cá nhân là thành viên tổ hợp tác) do các đối tượng này đều chỉ được hưởng hoa lợi, lợi tức do hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ hợp tác và không hưởng lương do đối tượng này có cả vai trò là người lao động trong nền kinh tế vừa có nhu cầu, vừa có điều kiện tham gia BHXH, họ cũng muốn được hưởng các lợi ích các hỗ trợ từ quỹ BHXH như những người lao động khác trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó việc bổ sung đối tượng này giúp mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đồng thời cũng phù hợp với quan điểm trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. 

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐQBH tỉnh Bạc Liêu

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, dự luật đưa ra từng nhóm giải pháp cho các trường hợp hưởng BHXH một lần. Cụ thể: Đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107), bên cạnh các trường hợp trong Luật 2014 thì dự thảo Luật còn quy định điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, về trường hợp này, hiện có hai phương án, đó là chia nhóm người lao động trước và sau khi luật có hiệu lực để áp dụng luật mới nhưng vẫn có kế thừa các quy định cũ và không gây xáo trộn; phương án 2 vẫn cho rút BHXH nhưng chỉ 1 phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Về cơ bản, đại biểu tán thành quan điểm hạn chế và tiến tới chấm dứt cho người lao động rút BHXH một lần và vẫn giữ quan điểm này từ bản kiến nghị góp ý của dự Luật trước là cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của BHXH để NLĐ nhận biết đây vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động, khoản đóng góp quỹ còn có phần không nhỏ là từ phía người sử dụng lao động chưa kể các hình thức hỗ trợ từ nhà nước do đó đấy cũng là trách nhiệm của NLĐ với an sinh xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các phương án trong dự Luật có thể gây ra việc rút BHXH một lần tăng đột biến hoặc ý kiến trái chiều về chính sách BHXH ở nước ta, do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các vi phạm về trốn, nợ BHXH và tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích từ BHXH, đại biểu cho rằng cần một giải pháp toàn diện lâu dài vừa không làm mất đi ý nghĩa của chính sách BHXH của nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (khoản 10 và khoản 11 Điều 4, khoản 2 Điều 24, Điều 25), tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện BHXH, cho thấy sự tiếp thu nghiêm túc của ban soạn thảo đối với nội dung này. Tuy nhiên việc quy định cần tính đến việc hoàn thiện Chính phủ điện tử, giúp dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước giảm bớt khó khăn về thủ tục cho người dân và tiết kiệm ngân sách. Từng bước tích hợp dữ liệu vào cơ sở dữ liệu dân cư, thống nhất cổng thông tin hoặc phần mềm quản lý dân cư duy nhất định danh, quản lý, phục vụ thủ tục BHXH nói riêng và ASXH nói chung cho người dân.

Rà soát cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động

Liên quan đến vấn đề về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH, đại biểu chỉ rõ, dự Luật quy định, để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động theo hướng ghi nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động để được tính hưởng các chế độ BHXH, trong đó tại khoản 5 Điều 41 quy định “Trường hợp người cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và không tự đóng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thì được lựa chọn hưởng lương hưu trên cơ sở tạm tính mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại thời điểm đóng.”

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Theo đại biểu, cần có đánh giá, minh chứng cho mức lương tạm tính và căn cứ nào để xây dựng mức lương này, dự Luật cũng xác định: “Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động quy định tại khoản này đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.” Do đó việc xác định mức lương này càng quan trọng hơn do chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về cấp ngân sách nào và ngân sách nhà nước còn có nhiều khoản phải chi trả, hỗ trợ và hầu hết nằm trong dự toán. Việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động ở trường hợp này là đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho người lao động ở các khu vực đặc biệt, tuy nhiên không phải vì thế mà lại đưa ra một căn cứ mới tạm tính mức tiền lương để tính mức lương hưu.

Để đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên trong BHXH, đồng thời dễ dàng áp dụng, đại biểu kiến nghị không dùng mức đóng là tạm tính mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, mà xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là mức lương tham chiếu./.

Hồ Hương

Các bài viết khác