ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐÃ HƯỚNG ĐẾN BẢO VỆ THOẢ ĐÁNG LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN

19/01/2024

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhận định: Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến việc bảo vệ người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng. Như vậy, kỳ vọng Luật sẽ giải quyết được tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai.

ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT CẦN ĐƯỢC CỤ THỂ HÓA ĐỂ ÁP DỤNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SÁT VỚI THỰC TIỄN, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC CÔNG TÁC QUẢN LÝ

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5

Luật Đất đai ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần đây nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 10 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện nên cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đây là đạo Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri, đông đảo tầng lớp Nhân dân trên cả nước với kỳ vọng việc sửa đổi lần này sẽ khắc phục được những bất cập trong quá trình thực thi thời gian qua.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, 6. Tuy nhiên, sau 3 kỳ họp, một số nội dung, điều khoản trong Luật vẫn còn có ý kiến trái chiều và băn khoăn. Cho đến Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,63% tổng số đại biểu).

Phát biểu tại phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội khẳng định: Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến xây dựng bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường và được công bố, cập nhật hàng năm; giải quyết một vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách đền bù, bồi thường khi mà người dân bị thu hồi đất; kỳ vọng sẽ giải quyết được tốt hơn những vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai…

5 điểm thay đổi đột phá trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng tại 3 Kỳ họp 4,5,6 trên cơ sở lấy ý kiến của toàn dân. Tuy nhiên, cho đến Kỳ họp thứ 6, vẫn còn những ý kiến trái chiều và cần được cân nhắc kỹ. Do đó, tới Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua. Điều đó cho thấy, Quốc hội đã rất thận trọng khi trong công tác lập pháp nhưng vẫn đảm bảo không chậm trễ trong việc thông qua đạo luật quan trọng này nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của cuộc sống.

Trong Luật Đất đai (sửa đổi), có nhiều điểm thay đổi đột phá. Yếu tố thứ nhất là quan điểm tiếp cận trong quản lý đất đai của Luật này có sự khác biệt cơ bản so với trước. Trước đây, chúng ta còn sử dụng nhiều biện pháp quản lý hành chính mang tính chất áp đặt nhưng Luật Đất đai (sửa đổi ) lần này chuyển sang hướng sử dụng nhiều hơn các cơ chế về thị trường để đảm bảo yếu tố về mặt lợi ích được điều tiết theo cơ chế thị trường. Điển hình như chúng ta bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường và được công bố, cập nhật hàng năm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Yếu tố thứ hai thường vướng mắc liên quan đến giá đất là vấn đề định giá đất nhưng trong Luật Đất đai (sửa đổi), việc định giá đất quy định rất rõ về phương pháp, cách thức, nguyên tắc và dựa trên những nguyên tắc đấy thì Chính phủ sẽ ban hành ra những nghị định hướng dẫn cụ thể. Đây là cơ sở để chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà hiện nay công tác định giá đất đang vướng.

Yếu tố thứ ba, Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến giải quyết một vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách đền bù, bồi thường khi mà người dân bị thu hồi đất. Trước đây, người dân thường không bằng lòng khi thu hồi đất vì thường là chúng ta sẽ xác định giá đất không được sát với giá trị của thị trường, hoặc là bồi thường tái định cư thì cũng không đảm bảo cho người dân có một chỗ ở tương xứng với nơi ở cũ.

Với Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này đã đáp ứng được nhu cầu của Nghị quyết 18 là bồi thường, tái định cư phải giúp cho người dân có thể có những điều kiện đảm bảo cuộc sống, điều kiện về sinh hoạt và việc làm bằng hoặc là có thể tốt hơn nơi ở cũ. Tôi cho rằng đây là điều đã được thiết lập khá rõ trong cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Yếu tố thứ 4 là Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung vào giải quyết là phương thức chuyển giao đất đai giữa các chủ thể. Ví dụ chẳng hạn như là đất đai đưa vào sản xuất kinh doanh thì thực hiện theo phương thức, trường hợp nào thì giao tiếp trực tiếp, trường hợp nào thì phải thực hiện thu hồi và trường hợp nào thì thông qua  phương thức thỏa thuận. Đặc biệt là khi thực hiện các phương thức thu hồi và chuyển giao đất đai cho các hoạt động có mục đích kinh doanh thì thường là phải thực hiện thông qua đấu thầu, đấu giá để đảm bảo rằng chúng ta sẽ phân phối được lợi ích địa tô tăng lên nhằm đảm bảo lợi nhuận hài hòa.

Quốc hội họp Phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Yếu tố thứ 5 cũng rất quan trọng là trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ cơ chế, phương thức xử lý những vấn đề tồn đọng như là công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người dân có đất nhưng mà lại không có các loại giấy tờ hoặc là có đất đã sử dụng mà không tuân thủ pháp luật nhưng mà nó lại phù hợp với quy hoạch, phù hợp với thực tế. Thậm chí là có những trường hợp được cấp đất không đúng thẩm quyền nhưng đến nay thì vẫn là phù hợp với quy hoạch, phù hợp với thực tế. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm mà bấy lâu nay người dân rất quan tâm thì trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra các phương thức xử lý khá rõ.

Kỳ vọng giải quyết được tốt hơn những vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai

Phóng viên: Thực tế là trong thời gian qua, có nhiều vụ việc người dân khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai thì liệu khi Luật Đất đai (sửa đổi) được áp dụng vào cuộc sống thì sẽ giải quyết được bất cập này như thế nào, thưa đại biểu?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, việc khiếu kiện liên quan đến đất đai liên quan nhiều đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Khi mà chúng ta không đáp ứng được  mức đền bù thỏa đáng, sát với giá trị thị trường và bù đắp lại được cho người dân có một cái chỗ ở không bị thua thiệt. Như vậy, trong quy định về cơ chế bồi thường, tái định cư được quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã được quy định khá rõ. Thứ nhất là việc xác định giá đất phải rất sát với giá thị trường. Nguyên tắc đầu tiên là phải sử dụng  phương pháp so sánh để xem là thị trường đang giao dịch bao nhiêu. Như vậy phải xác định giá đất sát với giá thị trường.

Còn nếu như giá đất đó không sát với giá thị trường thì khi đó sử dụng bảng giá đất và nhân với hệ số. Bảng giá đất đã được xác định là công bố hàng năm và sát với thị trường, không còn tình trạng thấp như trước kia. Như vậy, tôi cho rằng, việc xác định giá đất để bồi thường, tái định cư trước hết là sẽ đảm bảo không quá thấp, không có sai lệch và tương đối phù hợp.

Điểm thứ hai là về tái định cư thì trong Luật quy định rất rõ khu vực tái định cư phải được đầu tư xây dựng hạ tầng và có các tiêu chí. Nếu như khu vực ở nông thôn thì các yếu tố về hạ tầng nó phải đạt được tiêu chí tối thiểu là khu vực nông thôn mới, thậm chí phải cao hơn.

Các ĐBQH ấn nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với khu vực thành thị thì khu vực tái định cư phải đạt được tất cả những tiêu chí của hạ tầng như là một khu đi đô thị. Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta sẽ đáp ứng được các điều kiện về cuộc sống cho người dân. Từ đó, các khu vực tái định cư cũng phải được xác định ưu tiên. Trước hết là nếu như người dân di dời thì cố gắng tìm cho họ nơi gần nhất ngay tại địa bàn đó cùng xã, phường. Nếu tại địa bàn đó không có thì mở rộng ra trong địa bàn quận, huyện đấy, tức là mở rộng những nơi có sự tương đồng và những nơi được lựa chọn để ở cũng sẽ được ưu tiên. Việc ưu tiên được xem là lựa chọn những khu vực cùng quy hoạch đất để ở, chứ không phải tái định cư là đưa người dân vào chỗ ở khó khăn còn dành đất thuận lợi để mang đi bán, đấu giá, thu tiền.

Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến việc bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng. Như vậy, tôi kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Vấn đề thứ hai liên quan đến nguồn gốc đất đai không rõ ràng, rất dễ diễn ra tranh chấp. Để giải quyết bất cập này, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ về việc xác định cấp giấy chứng nhận cho những người dân có nguồn gốc về đất đai, thậm chí người ta đã sử dụng đất từ lâu đời rồi nhưng mà không có giấy tờ hoặc là có thể sử dụng nó một giai đoạn nào đó chưa phù hợp thì trong Luật đã đưa ra phương án xử lý, giải quyết. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, trong Luật Đất đai đã nhấn mạnh: “Nhà nước có trách nhiệm phải cấp giấy chứng nhận cho những người có điều kiện”. Điều đó thể hiện rất rõ sự cương quyết trong việc thực thi Luật, trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền lợi cho người dân.

Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, trên cơ sở Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua thì Chính phủ phải tập trung dồn nguồn lực và đặc biệt là phải ban hành rất sớm nghị định để mà thi hành. Như vậy là nếu chúng ta có một nghị định mới thi hành sát so với yêu cầu mà Luật đặt ra thì Luật này sẽ sớm đi vào cuộc sống và sẽ giải quyết được tốt hơn những vấn đề bức xúc của người dân hiện nay.

Thể hiện rất rõ tinh thần tăng phương thức là thực hiện đấu thầu, đấu giá để đai không có cơ chế xin - cho

Phóng viên: Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến vấn đề được cho là khi muốn tiếp cận một quỹ đất để làm nhà thương mại thì chúng ta cũng cần phải trải qua rất nhiều những khâu đấu giá, đấu thầu. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, những quy trình như vậy sẽ khiến cho việc tiếp cận đất đai khó khăn hơn và từ đó những cái dự án nhà ở thương mại ra đời cũng sẽ ít đi. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Tôi không nghĩ rằng, quy định của luật mới lại hạn chế chuyện tiếp cận các dự án cho phát triển nhà ở thương mại. Trước hết, để phát triển khu vực về đô thị, phát triển khu vực nhà ở như là cải tạo đô thị, phát triển khu đô thị mới, phát triển khu vực người lao động thì trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định những dự án đấy sẽ được đưa vào đối tượng thu hồi đất. Tất nhiên thu hồi để gắn liền với bồi thường, tái định cư cho người dân thỏa đáng và sau khi thu hồi rồi thì đất đai đấy sẽ được đưa ra để đấu thầu và đấu giá.

Như vậy, cơ chế tiếp cận đất đai không mang tính chất là xin- cho đối với các dự án đầu tư phát triển thương mại và nó sẽ đưa vào cơ chế thị trường. Doanh nghiệp nào có năng lực tốt, doanh nghiệp nào khẳng định được là mình có thể sử dụng đất hiệu quả hơn thì sẽ thể hiện thông qua cơ chế cạnh tranh là đấu thầu, đấu giá.

Tôi cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể hiện rất rõ tinh thần tăng phương thức là thực hiện đấu thầu, đấu giá để đai không có cơ chế xin- cho. Còn lại những đối tượng khác thì có thể tự thỏa thuận. Các phương thức tương đối mở rộng, linh hoạt để cho chúng ta có nhiều cơ hội tiếp đất đai và đặc biệt quan trọng nhất là cơ hội tiếp cận đất đai một cách bình đẳng thông qua quan hệ thị trường chứ không phải theo cơ chế như là xin- cho hay can thiệp về mặt hành chính. Đây là yếu tố rất tốt, tạo ra cơ hội bình đẳng, cạnh tranh để tạo ra sự phát triển cho thị trường.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác