ĐBQH TRẦN KHÁNH THU: ĐẢM BẢO SỰ CÔNG BẰNG ĐỂ Y TẾ TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN, ĐÓNG GÓP VÀO CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TOÀN DÂN

18/01/2024

Chia sẻ bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, để y tế tư nhân phát triển, cần giải quyết các vấn đề về cơ chế chính sách nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận đất đai, nhà xưởng, địa điểm, nguồn bệnh nhân, thị trường. Dự án Luậ Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là một trong những giải pháp để đảm bảo công bằng trong tiếp cận nguồn lực đất đai đối với các cơ sở y tế tư nhân.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUỐC HỘI PHÁT HUY TINH THẦN “LẬP PHÁP CHỦ ĐỘNG, GIÁM SÁT HIỆU QUẢ, QUYẾT SÁCH KỊP THỜI, BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN” ĐƯA ĐẤT NƯỚC PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Phóng viên: Tại nghị trường, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh tình trạng nhân viên y tế ở các Bệnh viện công bỏ ra Bệnh viện tư làm việc sau đại dịch Covid-19. Theo đại biểu, chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc trong hệ thống y tế công hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của nhân viên y tế hay chưa?

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư (đặc biệt là sau hơn 02 năm phòng, chống dịch COVID-19). Nhất là các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn sâu; tác động không nhỏ đến các cơ sở y tế công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nhiều nguyên nhân khác nhau đã được các đại biểu Quốc Hội phân tích trong các phiên thảo luận kinh tế xã hội, bên cạnh những nguyên nhân như áp lực công việc, môi trường làm việc độc hại nặng nhọc… thì nguyên nhân lương và phụ cấp đối với viên chức nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập thấp cũng được nhiều đại biểu nêu lên chứ chưa nói gì đến chế độ đãi ngộ. Theo quy định hiện nay mức lương và thu nhập tại các cơ sở Y tế công lập thì tại các cơ sở y tế tư nhân có mức lương và thu nhập cao hơn gấp 3,4 thậm chí 5,6 lần.

Áp lực từ dư luận xã hội lên toàn ngành sau những sai phạm được phát hiện đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ viên chức ngành y tế. Về vấn đề Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, kể cả khi được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập ngay thì mức lương vẫn chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống,

Phóng viên: Trên thực tế, số lượng điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế đang không đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong chiến lược phát triển ngành y tế ở nước ta. Theo Đại biểu, nhà nước cần có những chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực này như thế nào trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Ngay trong Nghị quyết 20 đã khẳng định: Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Chính vì vậy cần thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,... Xây dựng và cần có chính sách thu hút nhân viên y tế đặc biệt là lực lượng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao.

Phóng viên: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới tiếp tục nêu rõ chủ trương, quan điểm, mục tiêu của Đảng về phát triển y tế tư nhân. Xin đại biểu cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển y tế tư nhân như thế nào?

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Luật Đất đai sửa đổi lần này có tác động rất lớn đến toàn xã hội, xác định được tầm quan trọng như vậy, nên quá trình xây dựng, thẩm định được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đến nay đã qua 4 Kỳ họp mới xem xét thông qua.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế khá rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển y tế tư nhân

Trong rất nhiều điểm mới, đột phá mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này hướng tới, dự thảo luật đã thể chế khá rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển y tế tư nhân đặc biệt nhằm "đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế.”. Tinh thần đó được thể hiện rõ trong các điều khoản mà Dự thảo Luật sửa đổi, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế thông qua chính sách thu hồi đất để xây dựng các cơ sở y tế; trong đó đặc biệt trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng để thực hiện chính sách an sinh xã hội như xây dựng cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội được nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động ...

Nếu như trong Luật Đất đai cũ chưa có quy định này mà phải thực hiện thỏa thuận thì hiện nay trong dự thảo sửa đổi đã được thể hiện chi tiết tại khoản 15 ĐIều 79.  Và đặc biệt tại khoản 2 điều 124 quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 79, trong đó, cơ sở y tế trong trường hợp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Điểm b khoản 2 Điều 34 cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng đất có nhu cầu cho thuê, liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê và liên doanh liên kết. Bên cạnh đó tại điều 157 quy định các trường hợp được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có các dự án đầu tư sử dụng đất để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phóng viên: Theo Đại biểu, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng đã đề ra, Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào?

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, y tế tư nhân trong những năm vừa qua đã thực sự có sự phát triển khá tốt, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đối với sự phát triển của y tế tư nhân, cần nhìn nhận ở hai góc độ. Về số lượng cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, trung tâm và bệnh viện đã tăng về số lượng và khá tốt về chất lượng. Đã có rất nhiều cơ sở tư nhân được đầu tư máy móc, thiết bị khá tốt, thậm chí có những thiết bị vào loại đứng đầu công nghệ, để phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Cùng với đó, sự lan tỏa mạng lưới không chỉ ở các thành phố lớn mà các cơ sở y tế tư nhân được xây dựng tại cấp huyện, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân.

Góc độ thứ hai, đó là sự đóng góp lớn của y tế tư nhân trong việc tham gia vào khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế tư nhân đã tiếp cận được nhiều người dân, do dịch vụ phong phú và sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc mua sắm trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men và cung cách phục vụ. Vì vậy, y tế tư nhân đã thực sự đóng góp hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặc dù ở đâu đó, cơ sở y tế tư nhân chưa thực sự tốt cả về trang thiết bị, con người và cung cách phục vụ, thậm chí lạm dụng, lợi dụng xét nghiệm nhưng cơ bản hệ thống y tế tư nhân của Việt Nam đang ngày một tốt lên và thực sự có đóng góp hiệu quả

Để y tế tư nhân ở Việt Nam tiếp tục phát triển cần giải quyết những vấn đề thuộc về chính sách, về cơ chế nhằm đảm bảo sự bình đẳng của y tế tư nhân với y tế công lập. Đó là đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận đất đai, nhà xưởng, địa điểm, nguồn bệnh nhân, thị trường, cơ chế giá hợp lý để phục vụ cho người bệnh. Vì vậy, việc ban hành các văn bản hướng dẫn các dự án Luật mới liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần đảm bảo sự công bằng, đánh giá đúng sự đóng góp của y tế tư nhân, có như vậy, hệ thống y tế tư nhân sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Minh Hùng

Các bài viết khác