ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: SỚM BAN HÀNH SỔ TAY HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

16/01/2024

Chiều 16/01, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chia sẻ trước phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đã nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đó là khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Theo đại biểu, đối tượng áp dụng thực hiện nội dung này chỉ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khi đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp lại ở xã không phải vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 3 được phân bổ theo định mức quy định, mà đối tượng thụ hưởng đúng theo quy định tại một số địa phương có số lượng ít, nguồn vốn được phân bổ nhiều, từ đó việc giải ngân sẽ không đạt được 100%.

Việc phân bổ nguồn vốn về địa phương hướng dẫn chi tiết đến từng dự án, nên địa phương không chủ động được trong bố trí nguồn vốn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm sẽ dẫn đến nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không theo đúng nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm. (Nên tạo điều kiện linh hoạt cho địa phương chủ động, phù hợp trong phân bổ nguồn lực).

Qua khảo sát và ghi nhận ý kiến cử tri cho thấy thiếu căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện tại địa phương. Cụ thể, tại các quyết định của Chính phủ về phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia có giao các bộ, cơ quan trung ương chủ quản các chương trình tham mưu hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện như: Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 652/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.... Bộ, cơ quan trung ương chủ quản của các chương trình chưa ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Vì vậy, tại địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam cần sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lê Thị Thanh Lam kiến nghị: Với thực tế vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương giao cho các địa phương chậm như hiện nay, đề nghị Bộ Tài chính có văn bản quy định kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn được phép chuyển nguồn sang năm sau (gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn vốn, theo hướng giảm nguồn vốn sự nghiệp chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, giao thẩm quyền cho tỉnh, thành phố được phép điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, tiểu dự án.

Do có quá nhiều văn bản hướng dẫn, mỗi văn bản hướng dẫn lại dẫn chiếu nhiều văn bản có liên quan khác gây khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng thực hiện. Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ủy ban Dân tộc cần sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình; tài liệu Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp củaTiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025. Vì đến nay, Ủy ban Dân tộc mới ban hành được khung đào tạo tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022, do đó địa phương chưa giải ngân được Tiểu dự án này.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác