ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: QUỐC HỘI TIÊN PHONG, CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

09/01/2024

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng điều này đã một lần nữa thể hiện rất mạnh mẽ, rõ nét vai trò tiên phong, chủ động của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới như Đại hội XIII của Đảng đề ra.

GÓC NHÌN: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA - CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Bà có nhận định như thế nào về tính cấp thiết của việc ban hành Chương trình này?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Đối với văn hóa, tôi đang nghĩ đến sự việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, đó là sự việc học sinh nhốt, ném dép vào cô giáo ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) có mức độ, tính chất rất nghiêm trọng, cho thấy sự xuống cấp của văn hóa học đường và dấu hiệu đứt gãy của truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Đây là hiện trạng rất đáng buồn và tôi nghĩ rằng, đây là hệ quả của việc chúng ta chưa chú trọng một cách đúng mức và có hiệu quả đến giáo dục, đạo đức, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Tuy rằng vụ việc này chỉ là một hiện tượng cá biệt thôi nhưng rõ ràng thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường có vẻ ngày càng tràn lan và phức tạp, đặc biệt là những vụ việc hi hữu như vừa rồi, học sinh bạo lực với giáo viên. Từ đó cho thấy, dù không nhiều nhưng cũng đã xuất hiện những biểu hiện văn hóa xuống cấp trong một bộ phận giới trẻ.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… thì phát triển văn hoá, con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và để bảo đảm văn hóa phát triển cùng với kinh tế, xã hội… chúng ta cần xem xét trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hoá?

Thực tế, việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được triển khai qua nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược cho từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành nhưng rõ ràng do nguồn lực đầu tư không tương xứng nên không tạo được chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam rất cần thiết ở thời điểm hiện nay và một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình cần tập trung đến vấn đề phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phóng viên: Theo bà, nguyên tắc, mục tiêu và những vấn đề nào cần đạt được khi xây dựng v à ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Để Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi triển khai đạt được những kết quả như kỳ vọng, cần lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, chúng ta phải nhận thức thực sự đúng thế nào là chấn hưng văn hóa và khâu yếu nhất của văn hóa hiện nay là chúng ta đang cần chấn hưng là cái gì? Bởi lẽ văn hóa là một cái khái niệm có nội hàm rất rộng. Cho nên nếu như chúng ta không xác định được nội dung trọng tâm thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần tập trung là phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Trong những năm qua, tôi nhận thấy chúng ta đã làm rất tốt việc tổ chức các phong trào văn hóa, nhưng đây thực tế cũng chỉ là các hoạt động văn hóa bề nổi và chúng ta cũng đã tập tập trung rất nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho đời sống văn hóa. Ví dụ hệ thống các nhà văn hóa từ thôn, khu dân cư cho đến nhà văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới với tiêu chí về nhà văn hóa chúng ta cũng đã hoàn thành và đang nâng cấp. Chúng ta cũng có một hệ thống các thiết chế văn hóa khác, chúng ta cũng đã xây dựng và đã đầu tư quan tâm đúng mức, cũng dành rất nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nhưng theo tôi, những điều đó nó cũng mới chỉ là cái vỏ văn hóa, cái hạ tầng vật chất của văn hóa mà thôi.

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, 2022 và 2023, thấy rằng tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng tăng. Gần đây vẫn tiếp diễn các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em rồi giết người bằng những thủ đoạn tàn độc, gây rúng động dư luận. Các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt là có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời. Bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trở thành mối lo lớn…

Để văn hóa thực sự được chú trọng, có sự chuyển biến về chất, rõ ràng không đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện những nhiệm vụ gì. Bên cạnh quan tâm phát triển các thiết chế văn hóa, chúng ta cần phải đặt ra một cái nhìn sâu hơn là chấn hưng văn hóa bắt đầu từ cái gì và khâu gì? Hiện nay chúng ta yếu nhất là cái gì thì vấn đề ấy phải là nội dung quan trọng nhất trong Để Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa lần này.

Đặc biệt thứ hai, khi nhận diện được rồi, tôi cho rằng, chúng ta cần phải chọn được ra những nhiệm vụ đột phá và trọng tâm nhất để tập trung nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, nhất là trong điều kiện nguồn lực của có hạn như hiện nay. Từ năm 2020 đến nay, kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Do vậy, với nguồn lực không nhiều, việc chúng ta thực hiện một Chương trình khá là dài hơi và quy mô về văn hóa như thế này thì tôi cho ràng, rất cần phải tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Phóng viên: Bà có đánh giá thế nào về vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy Chính phủ sớm hoàn thiện Chương trình này?

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội chúng ta đã thể hiện rất rõ vai trò tích cực, chủ động luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ trong các vấn đề, từ xây dựng luật pháp cho đến tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các chính sách. Với tinh thần chủ động đổi mới, vào cuộc từ sớm - từ xa, việc xây dựng luật và ban hành các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Quốc hội khóa XV thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. Ngay khi vừa được bầu và thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về một Quốc hội đổi mới, luôn chủ động từ sớm, từ xa, chấm dứt tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo người".

Và điều ấy thể hiện rất rõ trong vấn đề chúng ta vừa trao đổi. Không chỉ là đồng hành, cùng Chính phủ tháo gỡ các vấn đề, Quốc hội còn thể hiện tính chủ động, tiên phong, mở đường khi yêu cầu Chính phủ trong năm 2024, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035. Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Các bài viết khác