ĐBQH VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP, TẠO SỨC MẠNH TỔNG HỢP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT

20/12/2023

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội nước ta. Hoạt động giám sát của Quốc hội trong các nhiệm kỳ qua từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

Đóng góp vào thành công chung đó, có vai trò tích cực của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở địa phương trong quá trình thực hiện giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật ở địa phương theo luật định.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Phóng viên: Giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật tại địa phương tại một trong những nội dung được các Đoàn ĐBQH quan tâm triển khai thời gian qua. Vậy, đại biểu có chia sẻ gì về hoạt động này từ thực tiễn tại Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định công tác giám sát, trong đó có giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật tại địa phương là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật.

Cùng với việc quy định pháp luật về hoạt động giám sát ngày càng được hoàn thiện qua các nhiệm kỳ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã chủ động, tích cực đổi mới phương pháp, nội dung giám sát để nâng cao hiệu quả công tác này. Từ thực tiễn sinh động của Thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật tại địa phương; đồng thời triển khai đầy đủ các giám sát chuyên đề theo yêu cầu của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề.

Trong quá trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội Thành phố Đoàn Thành phố cũng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề mang tính thời sự, bức xúc trong thực tiễn điều hành phát triển kinh tế - xã hội đa dạng của Thành phố Hồ Chí Minh đến Chính phủ, các bộ, ngành chức năng ở Trung ương để xem xét, chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát về thi hành pháp luật tại địa phương của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố thời gian qua vẫn còn có mặt tồn tại, đó là: Số cuộc giám sát tại cơ sở tuy có tăng lên nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu thực tiễn và mong mỏi, nguyện vọng của cử tri.

Ngoài ra, việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để hỗ trợ cho Đoàn giám sát vẫn còn ít;  Việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát mới chỉ dừng ở việc theo dõi và phản ánh tình hình chung, chưa thực hiện thường xuyên việc xem xét tiến trình giải quyết của các ngành chức năng sau giám sát.

Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực đổi mới phương pháp, nội dung giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động

Phóng viên: Vậy theo phân tích của đại biểu thì đâu là nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện nay xung đột pháp lý, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành luật thiếu ổn định, thay đổi khá nhanh trong một thời gian ngắn làm cho hoạt động giám sát khó thực hiện được việc xem xét, đánh giá một cách có hệ thống và có chất lượng. Đồng thời, một số quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 còn thiếu cụ thể, đặc biệt chưa quy định cụ thể về chế tài, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, hiện nay đa số đại biểu là kiêm nhiệm, phải đảm bảo công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực đảm nhiệm, khối lượng công tác chuyên môn lớn dẫn tới còn hạn chế trong sắp xếp quỹ thời gian thực hiện vai trò đại biểu, hạn chế trong tham gia các hoạt động giám sát chuyên sâu, dài ngày.

Ngoài ra, nhiều nội dung giám sát có phạm vi vừa rộng, vừa có tính chuyên môn sâu, do đó công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội mặc dù từng bước được cải thiện nhưng nhân sự còn thiếu, chất lượng nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu, cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử.

Phóng viên: Từ thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật tại địa phương trong các nhiệm kỳ qua, theo đại biểu đâu là những nội dung cần quan tâm chú trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát trong thời gian tới?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Đóng góp vào thành công chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội, có vai trò tích cực của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở địa phương. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động này cần chú trọng một số nội dung như sau:

Một là, Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ đời sống của Nhân dân, từ những yêu cầu bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội; chủ động cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề theo chương trình và những vấn đề cử tri đang bức xúc, trong đó có chú ý hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở. Nội dung giám sát càng cụ thể thì hiệu quả thu về sẽ càng rõ ràng. Đối với từng vấn đề cụ thể cần có những đại biểu có kiến thức chuyên sâu, am hiểu về lĩnh vực giám sát bên cạnh việc có kiến thức pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách thì sau giám sát sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp, thiết thực; đồng thời, tăng cường. mời thêm các chuyên gia có kiến thức, có năng lực tham gia tư vấn nội dung hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả và chất lượng giám sát.

Hai là, tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, khắc phục chồng chéo trong giám sát.

Ba là, khi tổ chức hoạt động giám sát, cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và xác định những nội dung trọng tâm, những vấn đề bức xúc cần được đặt ra để yêu cầu cơ quan được giám sát báo cáo, giải trình, làm rõ. Việc giám sát không chỉ dựa trên những chỉ tiêu cụ thể mà quan trọng hơn là phải giám sát từ những giải pháp, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật có liên quan để làm cơ sở tham gia cùng Quốc hội thảo luận và ban hành Nghị quyết, đề xuất việc xây dựng hay điều chỉnh những văn bản luật phù hợp, đi vào cuộc sống. Các khâu này phải đồng bộ, chặt chẽ. Kiến nghị sau giám sát cần cụ thể, tránh chung chung, chỉ ra được những mặt tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục

Bốn là, vấn đề hậu giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thường xuyên xem xét tiến trình giải quyết sau giám sát là yêu cầu rất quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát. Những vấn đề được nêu ra sau các hoạt động giám sát phải được xử lý triệt để, không để tình trạng nêu ra rồi để đấy, phải có chế tài phù hợp nhằm đảm bảo các kết luận, kiến nghị được thực thi trên thực tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác