ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CẦN KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN
ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ LÀ KHÂU BỔ TRỢ ĐỂ HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA QUỐC HỘI CÓ CHẤT LƯỢNG CAO NHẤT
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương
Phóng viên: Thưa bà, đến nay việc xã hội hoá giáo dục là một trong những xu thế tất yếu. Xin bà có thể đánh giá vị trí, vai trò, sự cần thiết của việc xã hội hoá giáo dục hiện nay? Đối với xã hội hoá giáo dục chúng ta đã có những chính sách phát triển, khuyến khích vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Đảng và nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo, tuy nhiên, do nhu cầu về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị giáo dục… hiện nay là rất lớn và ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân nên việc thu hút các nguồn lực của xã hội, cộng đồng đầu tư vào các hoạt động giáo dục là rất quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, làm gia tăng nhu cầu của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam được tham gia học tập ở các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế, dẫn tới yêu cầu về việc mở rộng thị trường dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Do đó, đòi hỏi nhà nước phải có các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Tôi cho rằng, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã được triển khai nhiều năm qua. Hiện nay, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và được cụ thể hóa trong các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, công tác xã hội hóa giáo dục là giải pháp rất quan trọng và cần thiết để bổ sung và góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục; xác định các nguồn lực xã hội là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Các chính sách ưu đãi cụ thể bao gồm ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng; khuyến khích hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công – tư; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp….
Phóng viên: Theo bà, chúng ta cần làm gì để tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực tối đa phát triển xã hội hoá giáo dục?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục trong thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực, quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở trường và đóng góp kinh phí cho giáo dục. Tuy nhiên, qua giám sát thực tiễn, chúng tôi cũng nhận thấy thực trạng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; điều kiện tiếp cận quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục; chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025; Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định đối tượng thụ hưởng chính sách về đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo không bao gồm lĩnh vực giáo dục đại học nên không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học... Còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã được triển khai nhiều năm qua. Hiện nay, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng
Do đó, tôi thấy rằng, cần phải tiến hành sớm việc tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát đề kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Trong đó, cần chú trọng quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm công bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Phóng viên: Trên thực tế, một số địa phương, cơ sở đào tạo chưa thực sự được quan tâm đúng mức về việc việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về xã hội hóa các hoạt động giáo dục nên kết quả đạt được còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quả thực hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân, ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục, dẫn đến việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục còn khó khăn, trong đó có cả những khu vực đô thị lớn, vừa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở mức cao; nguồn lực của xã hội thu hút vào khu vực giáo dục ngoài công lập còn thấp, mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương còn chênh lệch. Một số địa phương lúng túng trong thực hiện công tác xã hội hóa, nên thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án trong lĩnh vực này chưa được tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư.
Do đó, tôi thấy rằng, giải pháp quan trọng trước mắt là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục để tất cả các đối tượng liên quan nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục.
Cần phải tiến hành sớm việc tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đề kịp thời đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp, nhằm tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục.
Một giải pháp quan trọng khác cần được đẩy mạnh thực hiện là: coi xã hội hóa giáo dục và đào tạo là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai thực hiện và đánh giá hàng năm. Tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể, cơ quan quản lý giáo dục của địa phương tham mưu xác định các chỉ tiêu xã hội hóa cần đạt được cho địa phương mình, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đây cũng là một nội dung đã được Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn hạn chế.
Phóng viên: Theo bà, Nhà nước cần có vai trò gì trong việc điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục, giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá và tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục?
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Trách nhiệm và vai trò của Nhà nước luôn luôn được khẳng định và ghi nhận trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta, bên cạnh việc quy định “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”, Điều 16 Luật Giáo dục 2019 cũng ghi nhận “phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân”.
Trên thực tế, tuy tỷ trọng đầu tư ở khu vực ngoài công lập ngày càng gia tăng nhưng vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục được khẳng định ở mọi bậc học, cấp học, từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, trong giai đoạn 2015-2022, tổng chi của ngân sách trung ương là 13.236,26 tỷ đồng (chiếm 6,2%); ngân sách địa phương là 152.739,34 tỷ đồng (chiếm 75,5%); vốn ngoài nước (vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại) là 41.053,89 tỷ đồng (chiếm 19,2%); nguồn xã hội hóa là 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3%). Như vậy, nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, để ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư.
Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển giáo dục được thể hiện trong việc quản lý chất lượng giáo dục và giá cả các dịch vụ giáo dục của khu vực tư nhân đầu tư. Mới đây, trước thực trạng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được biên soạn và phát hành theo phương thức xã hội hóa) tăng cao gấp 2-4 lần so với trước đây, Quốc hội đã bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá. Mặc dù các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, nhưng pháp luật cũng yêu cầu phải công bố công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Ngoài ra, các điều kiện đầu tư thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục nước ngoài; các cơ sở giáo dục tư thục… cũng đã được pháp luật quy định đầy đủ và cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chương trình giảng dạy và các điều kiện liên quan khác.
Để tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục, trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về tầm quan trọng của xã hội hóa giáo dục, về chất lượng của các cơ sở giáo dục tư thục; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về khuyến khích xã hội hóa giáo dục; đặc biệt là cần khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật để có thể tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!