ĐBQH TRIỆU THỊ HUYỀN: CẦN NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÉT DUYỆT ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI THAM GIA ĐẤU GIÁ THEO QUY TRÌNH ĐẤU GIÁ RÚT GỌN

28/11/2023

Góp ý vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Triệu Thị Huyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu gía theo quy trình đấu giá rút gọn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

ĐBQH HỒ THỊ KIM NGÂN: NÊN GIAO CHO CƠ QUAN CÓ ĐỦ NHÂN LỰC XÉT DUYỆT ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI THAM GIA ĐẤU GIÁ

Tại dự thảo lần này, Chính phủ bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác...nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá. Trao đổi với đại biểu Triệu Thị Huyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái góp ý thêm hoàn thiện quy định này.

Đại biểu Triệu Thị Huyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Phóng viên: Việc bổ sung quy định về việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy trình đấu giá rút gọn tại khoản 12, Điều 38 được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu cần nghiên cứu, bổ sung theo hướng nào?

ĐBQH Triệu Thị Huyền: Về sửa đổi, bổ sung một số điểm khoản của Điều 38 được quy định tại khoản 12. Tại điểm b, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy trình đấu giá rút gọn. Bởi lẽ, dự thảo luật mới chỉ quy định cho người có tài sản xét duyệt điều kiện người tham gia đấu giá theo quy trình đấu giá thông thường mà chưa có quy định xét duyệt theo quy trình đấu giá rút gọn. Tại điểm c có quy định là bổ sung điểm e vào khoản 4 theo hướng: "Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột, công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng 1 tài sản".

Tôi cho rằng, việc quy định theo hướng liệt kê cụ thể các đối tượng như dự thảo rất khó thực hiện. Bởi lẽ, khi chúng ta tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá không thể biết hết quan hệ gia đình trong những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột. Tôi cũng đồng quan điểm của nhiều đại biểu bởi trong thực tế, tổ chức đấu giá cũng rất khó có điều kiện để có thể xác minh được những mối quan hệ và các thông tin nói trên. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại việc đưa nội dung này vào quy định trong dự thảo, nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Trường hợp nếu giữ nguyên quy định như trong dự thảo, tôi đề nghị cần làm rõ nghĩa của cụm từ "có khả năng chi phối hoạt động". Bởi lẽ, cụm từ này mang tính chất ước lệ, định tính nên rất khó áp dụng quy định vào thực tế.

Tôi xin góp ý thêm về sửa đổi, bổ sung Điều 36 được quy định tại khoản 10. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định: "Tổ chức hành nghề, đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 2 ngày kể từ ngày niêm yết, việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá".

Tôi kiến nghị Ban soạn thảo xem xét nâng thời gian xem tài sản lên tối thiểu từ 3 cho đến 5 ngày. Bởi thực tế, qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, nếu quy định như dự thảo với thời gian xem tài sản là 2 ngày, cùng với cách tính thời gian hành chính là 8 giờ/ngày, thời gian xem tài sản chỉ có 16 giờ. Tôi cho rằng cách tính như vậy vẫn chưa đảm bảo về mặt thời gian, cũng chưa phù hợp với tình hình của thực tế, đặc biệt đối với những tài sản lớn có giá trị, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tham gia đấu giá.

Phóng viên: Thưa đại biểu, thực tế cho thấy, tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức này là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Vì vậy khoản 9 Điều 35 nên quy định như thế nào là phù hợp?

ĐBQH Triệu Thị Huyền: Về sửa đổi, bổ sung Điều 35 được quy định tại khoản 9, thực tế cho thấy, tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức này là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do vậy, nếu chỉ quy định việc niêm yết ở trụ sở trong khi không niêm yết ở các chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa lại nội dung "Niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức" thành "Niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản”. Ngoài ra, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung việc niêm yết được đấu giá tài sản tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

Một điểm nữa, tôi muốn nhấn mạnh là quy định bổ sung nội dung tại điểm d, khoản 8 Điều 34. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy rằng việc thông báo đấu giá đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đã được thực hiện một cách thống nhất. Những nội dung chủ yếu của quy chế cuộc đấu giá đã có trong thông báo đấu giá nên không nhất thiết phải đăng quy chế lên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Khi khách hàng đến tham gia mua hồ sơ đấu giá đã được nhận quy chế của cuộc đấu giá kèm trong hồ sơ. Do vậy, tôi đề nghị bỏ nội dung của điểm d để phù hợp với điều kiện của thực tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác