Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Tôi cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng kinh tế. Trong đó, giao thông vận tải đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, vận chuyển… diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục.
Qua hơn 12 năm thực hiện, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại. Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây , các hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông, các cầu lớn vượt sông, biển như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống… Đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến đi qua.
Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu
Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ, như: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP đang được quy định không vượt quá 50% tổng mức đầu tư; Giao thẩm quyền cho địa phương được đầu tư, nâng cấp mở rộng các dự án đường quốc lộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải; Giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, trong đó có việc sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư cùng một dự án; Không thực hiện thủ tục cấp phép mỏ mới làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án giao thông đường bộ; Phát sinh về đối tượng, thủ tục đầu tư, giao kế hoạch, giải ngân cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các dự án giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và theo quy định tại điểm b và e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành Nghị quyết thí điểm thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Tại phiên họp chiều 27/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Do đó, tôi cho rằng, việc ban hành nghị quyết thời điểm này là hết sức cần thiết, thiết thực và tôi ủng hộ việc ban hành Nghị quyết này theo quy trình một kỳ họp, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phóng viên: Thưa đại biểu, qua giám sát và tiếp xúc cử tri tại địa phương, các chính sách đặc thù nêu trong dự thảo đã giải quyết cơ bản những vướng mắc hiện nay? Theo đại biểu Nhà nước cần đầu tư đầu tư xây dựng một số dự án giao thông kết nối liên vùng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại Lai Châu nói riêng và khu vực nói chung?
Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ gồm 05 Chính sách đó là: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương; Các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy các chính sách này đã cơ bản đảm bảo giải quyết những vướng mắc hiện nay, nhất là đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn thu ngân sách lớn, tự chủ về ngân sách.
Về hệ thống giao thông kết nối liên vùng nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng, khu vực trung du miền Bắc nói chung, tôi nhận thấy Chính phủ, Bộ Giao thông cần sớm xem xét triển khai một số dự án như: Hoàn thiện đầu tư đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai sang TP. Lai Châu - cửa khẩu Ma Lù Thàng với quy mô đường cấp IIImn, 2 làn xe; Nâng cấp hoàn thiện các tuyến quốc lộ chính gồm: Quốc lộ 4D, Quốc lộ 100, Quốc lộ 12, Quốc lộ 32 (đoạn không trùng với đường nối cao tốc tốc Nội Bài - Lào Cai sang TP. Lai Châu - cửa khẩu Ma Lù Thàng) đạt tiêu chuẩn cấp IIImn, tối thiểu 2 làn xe; các tuyến quốc lộ khác gồm Quốc lộ 279, Quốc lộ 279D, Quốc lộ 4H đạt tiêu chuẩn cấp IVmn, 2 làn xe; Kéo dài Quốc lộ 4H (đoạn Pắc Ma - cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, dự kiến số hiệu 4H3), quốc lộ 100 (Phong Thổ - TP. Lai Châu); Cầu đa năng tại khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng để kết nối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ một số điểm nghẽn qua các các đoạn tuyến đèo dốc như xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên trên Quốc lộ 4D, hầm đường bộ qua đèo Khau Co trên Quốc lộ 279,…
Phóng viên: Thưa đại biểu, theo chương trình kỳ họp, ngày 28/11 Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đại biểu kỳ vọng như thế nào nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, các chính sách sẽ tác động như thế nào trong thực tế?
Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Nếu Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được thông qua, tôi kỳ vọng các dự án đang triển khai sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo kế hoạch để sớm đưa các dự án vào khai thác vận hành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả nước phát triển, nhất là những khu vực giao thông còn chưa thực sự phát triển, và những vùng động lực kinh tế của cả nước như Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi cho rằng, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tôi cho rằng, các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết cần nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, đảm bảo không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!