GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI TRONG DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CẦN ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI

27/11/2023

Vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những nội dung được nhận được nhiều sự quan tâm góp ý từ các ĐBQH. Trao đổi bên hành lang nghị trường, các ý kiến đề nghị cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để xem xét quy định phải đảm bảo tính khả thi, trước hết là cần thu hút đúng người, sau đó mới bố trí, sử dụng đúng người thì mới đem lại hiệu quả và có bước đột phá.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Thu hút đúng người, sau đó mới bố trí, sử dụng đúng người thì mới đem lại hiệu quả và có bước đột phá

Quan tâm đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu tham gia góp ý về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các ý kiến đề nghị quy định này trong dự thảo Luật cần đảm bảo tính khả thi, cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để xem xét, trước hết là cần thu hút đúng người, sau đó mới bố trí, sử dụng đúng người thì mới đem lại hiệu quả và có bước đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài.

Trao đổi bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều đại biểu rất quan tâm. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Và mới đây, ngày 31/7/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Trương Xuân Cừ nhận thấy, lịch sử đã chứng minh một đất nước phát triển, thậm chí phát triển vượt bậc thì cần trọng dụng nhân tài, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, trọng dụng nhân tài để phát huy, phát minh khoa học, công nghệ, nếu không thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình hội nhập.

Mặc dù chủ trương đã có từ lâu, lịch sử phát triển đất nước cũng chứng kiến rất nhiều nhưng đại biểu cho rằng, vào thời điểm này, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài như thế nào thì cần được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề án cụ thể.

Có 2 vấn đề trong Chiến lược quốc gia mà Chính phủ đã nêu ra:

Thứ nhất, vấn đề thu hút, như thế nào là người tài? Đại biểu nhận thấy, mặc dù trong Chiến lược quốc gia đã nêu ra vấn đề thu hút nhân tài đối với sinh viên, đối với các nhà quản lý, doanh nhân, nhà khoa học… để cụ thể hóa đối với những người tài. Tuy nhiên để quy định này thiết thực, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị cần tiếp tục tính toán, xây dựng cụ thể.

Thứ hai, vấn đề trọng dụng, trọng dụng nên tập trung vào đâu? Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, trọng dụng có rất nhiều cơ chế, chính sách như cơ chế, chính sách về tiền lương, về đào tạo, bồi dưỡng… đều cần được tính toán, nghiên cứu.

Nói tóm lại, để cụ thể hóa quy định này, không riêng với Việt Nam, đại biểu đề nghị cần tính toán xem xét kỹ lưỡng. Đây là vấn đề không mới nhưng mỗi thời kỳ, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài có cách thể hiện khác nhau.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, như thế nào là người tài ở tất cả các lĩnh vực thì cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau để xem xét. Trước hết là phải thu hút đúng người, sau đó mới bố trí, sử dụng đúng người thì chắc chắn mới đem lại hiệu quả và có bước đột phá. Nhân tài trên tất cả các lĩnh vực, nhất là nhân tài là các cán bộ chiến lược cũng cần được tính toán mang tầm quốc gia, thậm chí liên quan cả tầm quốc tế, do đó cần hết sức thận trọng.

Vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài cần có sự vượt trội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu rõ, muốn thu hút được nhân tài thì cần thông qua chính sách tuyển dụng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng hơn là vấn đề sử dụng được nhân tài đó để phát huy các khả năng cống hiến của họ. Do đó, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần thiết kế các điều kiện như thể chế để tăng tính sáng tạo, tính năng động đề xuất của các cán bộ làm việc cho thủ đô.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài cần có sự vượt trội, không phải tuân thủ theo các quy định thông thường, lúc đó chúng ta mới huy động được khả năng đóng góp, sáng tạo, vượt trội của những nhân tài này.

Đồng thời cần có cơ chế để đánh giá sự đóng góp, sự cống hiến của những tài năng vượt trội, thông qua đó, một mặt tiếp nhận những đóng góp của họ, mặt khác, ghi nhận để tạo sự động viên, tạo ra môi trường mới, vị thế mới cho chính những nhân tài này có thể phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Để quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài đảm bảo tính khả thi, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông đề nghị giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định cụ thể các đối tượng thu hút, phân loại. Quy định về chế độ chi ngân sách cho phù hợp trong bổ nhiệm, tuyển dụng. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, hiện nay trọng dụng nhân tài có thể nói bất kỳ địa phương nào cũng thế, trong một cơ quan nào cũng thế. Nếu thiếu những người có chuyên môn tốt, những người giỏi thì rất khó, lãnh đạo rất vất vả.

Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật quy định trưng dụng những người có trình độ, kể cả người nước ngoài, nhưng không quy định về các quy chuẩn cho vấn đề này. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu, xem xét tiêu chuẩn, quy chuẩn để trưng dựng những người có trình độ, người nước ngoài./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác