ĐBQH PHẠM NAM TIẾN: CẦN QUY ĐỊNH ĐỦ 12 LĨNH VỰC CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ VÀ KHAI THÁC KINH TẾ TỪ THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP

27/11/2023

Hôm nay (27/11), Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến cho rằng, Ban soạn thảo cần thể chế hoá đủ 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hoá và có quy định xúc tiến khai thác kinh tế từ thể thao chuyên nghiệp… vào trong dự thảo Luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

ĐBQH PHẠM NAM TIẾN: CẦN ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI TRONG LĨNH VỰC TRUYỀN THÔNG

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến: 

Cần thể chế hoá đầy đủ 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hoá

Phóng viên: Hôm nay (27/11), Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nội dung về phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Quan điểm của ông về nội dung này thế nào?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến: Trước hết tôi đồng tình với việc sửa đổi Luật Thủ đô để xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và là đại diện, hình mẫu cho sự phát triển của đất nước.

Về nội dung phát triển văn hoá, thể thao tại Điều 23 Dự thảo, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần thể chế hoá đầy đủ 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá theo tinh thần Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thể chế vào Dự thảo những quy định tiên phong, mở đường (không chỉ về Trung tâm công nghiệp văn hóa mà bao gồm cả hạ tầng và không gian văn hóa) để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn đã được xác định trong Chiến lược.

Xúc tiến khai thác kinh tế từ thể thao chuyên nghiệp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến: Đối với lĩnh vực thể thao, dự thảo Luật đã đề cập đến “Công nghiệp văn hoá”, vậy có nên đề cập đến “công nghiệp thể thao”? Hay nói cách khác là khai thác kinh tế từ thể thao chuyên nghiệp.

Tại nhiều quốc gia đây là lĩnh vực kinh doanh béo bở đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, cũng như doanh thu, lợi nhuận cao nhiều ngành kinh tế khác. Cụ thể, ở Mỹ, kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước này. Quy mô tổng thị trường đạt 400-435 tỷ USD mỗi năm, gấp hai lần ngành công nghệ ô tô và gấp 7 lần ngành điện ảnh.

Ở Việt Nam ta, sự phát triển đi lên chuyên nghiệp có thể nói là tương đối nhanh và bền vững ở 1 số môn, điển hình là bóng rổ, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) với nguồn thu ổn định mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào “ông bầu” hay ngân sách địa phương/bộ/ ngành là ví dụ sinh động cho thấy tiềm năng to lớn của kinh tế thể thao nếu có cơ chế, chính sách hợp lý.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27/11

Về cơ sở hạ tầng văn hoá, thể thao, qua khảo sát thực tế của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục tại các cơ sở văn hoá, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đánh giá rất cao công tác đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn thành phố với nhiều công trình hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân, đủ điều điện đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao quốc tế (Ba Đình, Cầu Giấy, Long Biên)...

Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp văn hoá, thể thao (không riêng Hà Nội) khi vận hành hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao lại gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính, sử dụng tài sản công, hay các quy định về đầu tư, xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao. Vì vậy, việc đưa vào Dự thảo các quy định mang tính “gỡ bỏ” các “nút thắt” về đầu tư PPP  (tại Điều 38), cơ chế quản lý tài sản công  (tại Điều 42) và ưu đãi đầu tư  (tại Điều 45) có thể nói là giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay.

Theo tôi, các quy định này cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo sự cân bằng giữa việc vừa tạo cơ chế cho tư nhân tham gia quản lý, sử dụng, khai thác, duy tu, bảo dưỡng tài sản công trong lĩnh vực văn hoá, thể thao một cách có hiệu quả nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hoá, thể thao của người dân ở các cơ sở, công trình văn hoá, thể thao do nhà nước đầu tư (Vì vốn dĩ các công trình này được xây dựng từ nguồn thuế đóng góp của dân và phục vụ cho lợi ích của người dân).

Cần đưa nội dung phát triển du lịch và truyền thông vào dự thảo Luật

Phóng viên: Thủ đô Hà Nội được cho là địa phương hết sức nổi tiếng trong bản đồ du lịch thế giới và trong lòng của nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ông có đề xuất gì về lĩnh vực này trong dự thảo Luật?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông Phạm Nam Tiến: Tôi cho rằng, Điều 23 của dự thảo Luật nên chăng bổ sung thêm “du lịch” vào tên Điều này. Cụ thể là “ Phát triển văn hóa, du lịch, thể thao” thay vì chỉ là “Phát triển văn hóa, thể thao”. Bởi lẽ, rõ ràng Thủ đô Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định rõ vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Và du lịch không chỉ đóng góp nguồn lợi đáng kể vào ngân sách Thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng, dự thảo Luật cũng cần làm rõ việc phát triển du lịch của Hà Nội với những chính sách đặc thù như với văn hóa và thể thao.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Thủ đô là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đối ngoại…vì vậy, cần có lực lượng báo chí, tuyền thông đủ mạnh để tuyên truyển thúc đẩy kinh tế, xã hội triển. Hà Nội có những tờ báo mà thương hiệu gắn liền với lịch sử, như Hà Nội Mới với 2 lần được Bác Hồ đặt tên…tôi biết hiện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc biệt khi thực hiện Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc giai đoạn II (từ năm 2025 trở đi)  nhằm để báo chí, truyền thông đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội khác. Vì vậy, tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác