ĐBQH ĐINH NGỌC QUÝ: QUỐC HỘI ĐANG ĐI ĐÚNG HƯỚNG TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

26/05/2023

Quan tâm đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội cho rằng, Quốc hội đang đi đúng hướng trong việc giải quyết hàng tháng nhiệm vụ này…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 26/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quan tâm đến nội dung trên, đại biểu Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội cho rằng, không chỉ theo kỳ họp, theo năm, Quốc hội đang đi đúng hướng trong việc hàng tháng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.


Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đại biểu có nhận xét như thế nào về kết quả giám sát đó?

ĐBQH Đinh Ngọc Quý: Tôi nhận thấy, trong kỳ họp lần này, Quốc hội đã có sự đổi mới trong việc cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Thực tế, việc xem xét giải quyết kiến nghị của cử tri đã được đưa vào nội dung làm việc của Ủy ban Thường vụ hàng tháng; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên cập nhật, rà soát và có báo cáo tại các phiên họp hàng tháng của Ủy ban. Chính vì thế, việc tổng hợp sẽ sát sao, kịp thời hơn và tạo sức ép để các Bộ ngành, cơ quan của Chính phủ, địa phương quan tâm hơn tới giải quyết đơn thư kiến nghị của cử tri.

Ngoài quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng đã theo dõi việc giải quyết đơn thư của cử tri gửi đến các Bộ ngành, địa phương một cách bài bản, khoa học hơn để phân loại những đơn thư thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương. Bước đầu, cách thức làm việc này cũng được cử tri đánh giá cao và Đoàn Đại biểu Quốc hội thấy đây là việc làm hiệu quả, giúp cho thúc đẩy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri một cách thông suốt hơn.

Phóng viên: Qua những lần tiếp xúc cử tri, đại biểu có thể cho biết những vấn đề, nội dung nào được cử tri quan tâm và mong muốn gửi đến Quốc hội xem xét, chỉ đạo Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trả lời và thực hiện?

ĐBQH Đinh Ngọc Quý: Qua những lần tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy, người dân quan tâm đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày đối với họ như: Khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, thiếu thuốc điều trị bệnh tật; giá cả lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp; chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Bên cạnh đó, người dân ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị đều rất quan tâm đến vấn đề việc làm để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội…

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội.

Ngoài ra, người dân còn quan tâm đến các chính sách vĩ mô liên quan đến các quy định của luật, văn bản dưới luật. Có thể nói, những vấn đề mà cử tri quan tâm đều là những nội dung cụ thể, thậm chí liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ những kiến nghị của cử tri, Quốc hội có thể nhìn nhận là những vấn đề, nội dung nào vướng mắc do thực hiện chính sách chưa đầy đủ, chưa quy định hết hoặc những gì còn mâu thuẫn. Ví dụ như nhiều người quan tâm đến việc áp dụng Chính sách 861 ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người gặp khó khăn khi tham gia Bảo hiểm y tế bởi vì bị mất phần hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, còn có những vấn đề vướng mắc do quá trình tổ chức thực hiện như con đường ở cấp xã, cây cầu dân sinh mà lại phụ thuộc vào khả năng tài chính, ngân sách của chính quyền địa phương đều được người dân rất quan tâm.

Qua những lần tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội có dịp tiếp xúc với cử tri để lắng nghe ý kiến, đề xuất của họ đối với các vấn đề nêu ra để có thể phân loại chính sách nào thuộc phạm vi chính sách vĩ mô, những nội dung nào thuộc quy định của pháp luật, trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội. Qua đó, các đại biểu có thể tham mưu với Quốc hội trong việc xử lý những bất cập về mặt pháp luật và những vấn đề nào thuộc về trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, xử lý…

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất như thế nào với Quốc hội trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri?

ĐBQH Đinh Ngọc Quý: Cho đến nay, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang hoàn thiện dần phần mềm về công nghệ thông tin để có thể cập nhật các kiến nghị của cử tri một cách kịp thời hơn. Thông qua đó, Ban Dân nguyện có thể phản ánh những phản hồi của Chính phủ, các cơ quan, Bộ ngành tới cử tri.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5.

Ngoài ra, các Đoàn Đại biểu Quốc hội ở các địa phương đã đưa thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri lên Cổng Thông tin điện tử để người dân biết được những kiến nghị, đề xuất của mình được các Bộ ngành, địa phương trả lời đến đâu và như thế nào.

Tôi nhận thấy, hiện nay, không chỉ theo kỳ họp, theo năm, Quốc hội đang đi đúng hướng trong việc thực hiện hàng tháng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần mềm công nghệ thông tin cần được thông suốt để việc tiếp nhận, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri không chỉ được phản hồi bằng con đường văn bản hành chính mà còn được cập nhật ngay trên hệ thống phần mềm. Thông qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ ngành, chính quyền địa phương và người dân có thể truy cập được một cách dễ dàng, thuận lợi.

Phóng viên: Trân thành cảm ơn đại biểu!

Bích Lan