ĐBQH LƯU BÁ MẠC: LÀM RÕ HƠN NỘI HÀM CỦA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TRONG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

26/05/2023

Góp ý Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, ĐBQH Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, trình bày theo hướng mở, bổ sung một số hoạt động như nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và làm chủ công nghệ một cách phù hợp để làm rõ hơn nội hàm của hoạt động khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự.

TRIỂN KHAI PHÒNG THỦ DÂN SỰ PHÙ HỢP VỚI TỪNG CẤP ĐỘ: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

THÀNH LẬP QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ: CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐẢM BẢO QUẢN LÝ HIỆU QUẢ, KHÔNG ĐỂ THẤT THOÁT

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Cơ bản tán thành với Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự sau chỉnh lý ĐBQH Lưu Bá Mạc cho rằng, đây là một trong những luật khó, vừa phải có quy định chung để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn có liên quan đến phòng thủ dân sự; lại vừa không được chồng chéo, trùng lặp với các quy định có liên quan tại các luật chuyên ngành.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo rất trách nhiệm, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và đồng tình với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý dự thảo một cách phù hợp, để trình kỳ họp lần này.

ĐBQH Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại Khoản 4 Điều 2, có quy định đề cập đến "Đối tượng dễ bị tổn thương". Trong đó đã bổ sung thêm một đối tượng là “người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa thành “người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn".

Lý giải vấn đề này, đại biểu cho rằng, sinh sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì Người dân, gồm cả người dân tộc thiểu số và người dân tộc Kinh, đều có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Bên cạnh đó, theo khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP của chính phủ về công tác dân tộc và số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019,  thì 53/54 dân tộc là dân tộc thiểu số; dân tộc Kinh là dân tộc đa số chiếm 85,3%. Tuy nhiên, nếu sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn thì vẫn có thể là đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, cần phải sử dụng cụm từ chung là người dân, để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và không sót đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại Điều 8 về khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, trình bày theo hướng mở, bổ sung một số hoạt động như nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và làm chủ công nghệ một cách phù hợp vào các khoản 1, 2, 3. Đồng thời cân nhắc thêm đối với việc sử dụng cụm từ "công nghệ dữ liệu" tại khoản 3.

Đại biểu cho rằng như vậy sẽ làm rõ hơn nội hàm của hoạt động khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự. Đồng thời cũng để phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Ngoài ra, qua tìm hiểu, hiện nay cụm từ "công nghệ dữ liệu" này chưa được việt hoá và cũng chưa có giải thích từ ngữ. Mặc dù nội hàm sử dụng trong dự thảo luật này là phù hợp.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất sửa Điều 4 như sau:

-  Tại khoản 1, cân nhắc sửa thành:

“1. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong xây dựng các công trình phòng thủ dân sự và công trình dân sinh; nghiên cứu, lựa chọn, trang bị các phương tiện, thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa.”

- Tại khoản 2, cân nhắc sửa thành:

“2. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ trong dự báo, cảnh báo đúng các tình huống phức tạp của sự cố, thảm họa có thể xảy ra. Dự báo tác động và chuẩn bị nguồn lực và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa.”

- Tại khoản 3, cân nhắc sửa thành:

“3. Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ trong quản lý, khai thác, xử lý, phân tích, sử dụng thông tin, dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Các đại biểu dự phiên họp.

Về Quỹ phòng thủ dân sự tại điều 41, đại biểu Lưu Bá Mạc bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thành lập luôn Quỹ phòng thủ dân sự, như đề cập trong Phương án 1, mà không cần phải chờ đến trường hợp cấp bách mới thành lập, như đề cập trong Phương án 2.

Theo đại biểu, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trang 65 đã đề cập đến một chủ trương của Đảng là “có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”.

Từ nội hàm nêu trên, đối chiếu với hai phương án tại Điều 41, thì Phương án 1 đã thể chế hoá được chủ trương nêu trên, đảm bảo yếu tố là huy động nguồn lực từ địa phương và từ xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự; đồng thời đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống. Đại biểu cũng đồng tình với 04 lý do được thể hiện trong Báo cáo số 483/BC-UBTVQH15 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sử dụng thống nhất trong Dự thảo Luật đối với hai cụm từ “khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa” trong một số Điều tại Dự thảo Luật hoặc “khắc phục sự cố, thảm họa” như tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 Phương án 1./.

Trọng Quỳnh