ĐBQH NGUYỄN PHƯƠNG TUẤN: NGƯỜI TIÊU DÙNG CÓ THỂ SỬ DỤNG CÁC CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHÁC KHI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH KHÔNG TRẢ LỜI YÊU CẦU THƯƠNG LƯỢNG

11/08/2022

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng hoặc từ chối thương lượng thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ người dân tốt hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cơ bản tán thành với việc các nội dung được đưa ra trong dự án Luật.

Điều 48 của dự thảo Luật quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Tổ chức xã hội thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động theo quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhận thấy, theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thì Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng” (khoản 1 Điều 2). Một trong những điều kiện thành lập hội là có điều lệ (khoản 2 Điều 5). Một trong những nội dung chính của điều lệ là phải xác định “Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội”. Do đó, việc quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm cả các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đã mở rộng phạm vi hội theo quy định của pháp luật về hội.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật có một số quy định giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (khoản 2 Điều 28); hỗ trợ thương lượng (khoản 3 Điều 56, Điều 57)…

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhận thấy, bên cạnh việc giao trách nhiệm  chung cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật còn quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh trong việc giám sát thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, dự thảo Luật không quy định về mô hình tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn văn bản dưới luật sẽ quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan này để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (khoản 2 Điều 39). Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (khoản 4 Điều 28). Vì vây, đề nghị rà soát lại để xác định rõ “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” cũng chính là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.

Về thương lượng (Mục 2 Chương V), Điều 56 và Điều 57 của dự thảo Luật quy định về thương lượng, trình tự, thủ tục thương lượng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhận thấy, bản chất của thương lượng trong giải quyết tranh chấp là được thực hiện bởi cơ chế giải quyết nội bộ (cơ chế tự giải quyết) thông qua việc các bên tranh chấp cùng bàn bạc, thỏa thuận để tự giải quyết những bất đồng phát sinh mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba để trợ giúp hay ra phán quyết. Do đó, không chỉ có người tiêu dùng có quyền yêu cầu thương lượng mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng có quyền yêu cầu thương lượng.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng hoặc từ chối thương lượng thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì thế, việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là chưa phù hợp với phương thức thương lượng. Hơn nữa, việc quy định cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ thương lượng giữa các bên cũng chưa thể hiện đúng vị trí, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Về việc công nhận, công bố Danh sách hòa giải viên (Điều 63), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, Khoản 2 Điều 63 của dự thảo Luật quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm công nhận, công bố Danh sách hòa giải viên đủ điều kiện theo quy định của Luật này và chỉ định các hòa giải viên tham gia thực hiện việc hòa giải theo yêu cầu của các bên. 

Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, dự thảo Luật lại chưa quy định trình tự, thủ tục công nhận, công bố Danh sách hòa giải viên đủ điều kiện và chỉ định các hòa giải viên. Do đó, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ hơn./.

Bích Lan