ĐBQH LEO THỊ LỊCH: NÓI KHÔNG VỚI LÃNG PHÍ, NÓI CÓ VỚI SÁNG KIẾN

09/08/2022

Theo chương trình, tại Phiên họp thứ 14 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, mấu chốt của việc phát huy hiệu quả giám sát là ở việc phát hiện những mô hình tốt, cách làm hay, giúp tiết kiệm nguồn lực, sử dụng linh hoạt tài nguyên để đạt được hiệu quả cho tổ chức, cho cộng đồng.

Thông cáo báo chí về Chương trình Phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Công tác quy hoạch thiếu khả thi gây lãng phí nguồn lực xã hội

Phiên họp thứ 14 diễn ra từ ngày 09-11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng như: dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Xem xét, thông qua 02 dự thảo Nghị quyết về: Thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đặc biệt, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đồng thời tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quan tâm tới giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đại biểu Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, mấu chốt của việc phát huy hiệu quả giám sát không chỉ nằm ở việc xác định rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, xử lý sai phạm, nâng cao tính răn đe, mà còn ở việc phát hiện những mô hình tốt, cách làm hay, giúp tiết kiệm nguồn lực, sử dụng linh hoạt tài nguyên để đạt được hiệu quả cho tổ chức, cho cộng đồng.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Phóng viên: Sau nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành và khảo sát tại một số địa phương, Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát tại Phiên họp thứ 14. Đại biểu có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyên đề giám sát này?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tinh thần tiết kiệm là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý, điều hành đất nước. Chính tinh thần “Tiết kiệm là quốc sách” đã tạo một nguồn sức mạnh quật cường, giúp dân tộc ta vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc chiến tranh giải phóng và công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước. Hiện nay, ngay trong những năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đất nước đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt, dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đối với kinh tế và đời sống của người dân. Vấn đề cấp bách đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần bảo đảm tốt nguồn lực lâu dài để khắc phục những hậu quả của đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phải huy động các nguồn lực, thì tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là một nguồn tích luỹ lớn nếu cả nước tập trung thực hiện.

Theo tôi, việc lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” để giám sát tối cao đã thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cũng như của cả Quốc hội trong việc thực hiện chủ trương này. Ngay từ khi xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sát sườn hơn bao giờ hết, cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trở thành “hai mũi giáp công”, giúp giải quyết những tồn tại của việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cho phát triển nhanh và bền vững. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này, qua tiếp xúc cử tri, đây cũng là chuyên đề giám sát nhận được nhiều sự quan tâm lẫn kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt, xương sống của nền kinh tế và cũng liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội, cả lĩnh vực công, lĩnh vực tư, doanh nghiệp, người dân, trước yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để sử dụng hiệu quả, tối ưu các nguồn lực của địa phương và của cả nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Với tầm quan trọng lớn lao và nhiều kỳ vọng từ cử tri và nhân dân, chuyên đề giám sát tối cao này của Quốc hội xác định rõ phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Phóng viên: Là một chuyên đề giám sát quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cử tri và nhân dân cả nước, thời gian qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc, khảo sát tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Xin đại biểu cho biết, còn những tồn đọng, hạn chế nào ở các đơn vị, các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Qua theo dõi quá trình giám sát, tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những kết quả khả quan đã có trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục kịp thời. Trước hết là ở nhận thức về vấn nạn lãng phí còn chưa cao, chưa rõ trong một bộ phận cán bộ cũng như người dân. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, đôi khi lãng phí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng. Thời gian qua Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kiên trì công tác phòng chống tham nhũng và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng dường như việc chống lãng phí chưa được thực thi quyết liệt tương xứng. Người tham nhũng được coi là tội phạm, được nêu đích danh, xử đúng tội, nhưng lãng phí thì lại khó định lượng, khó nêu danh, thậm chí chỉ coi là khuyết điểm.

Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, dừng lại ở phát động phong trào, chưa đi vào thực tiễn, chưa đưa ra được những hành động, biện pháp tiết kiệm cụ thể. Công tác xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một vài đơn vị còn chung chung, chưa xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể, chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo tiết kiệm; chưa bám sát vào đặc điểm, đặc thù của từng đơn vị để đặt ra chương trình hành động thiết thực. Công tác thanh tra, kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm chưa thường xuyên, triệt để. Số cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa nhiều; chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đoàn giám sát của Quốc hội về  thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế

Qua các cuộc làm việc vừa qua, một hạn chế cơ bản dễ nhận thấy là, một số bộ, ngành chưa ban hành kịp thời chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn 2016-2021. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư còn chậm; công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản ở một số đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc chi tiêu và thanh quyết toán đối với kinh phí khoa học công nghệ tỷ lệ thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.

Ở một số địa phương mà Đoàn giám sát đã tới làm việc, có nơi vẫn chưa bố trí dự toán để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc quản lý chi phí đầu tư dự án chưa đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, các dự án chậm tiến độ, hoặc chấm dứt hợp đồng, dự án được phê duyệt nhưng không thực hiện dẫn đến lãng phí.

Đặc biệt, nhiều công trình, trụ sở đã được xây dựng trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng, không đem lại hiệu quả khai thác, thậm chí có những công trình bỏ hoang đến cả thập kỷ, dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn về ngân sách, vật tư, đất đai, thời gian, nhân lực… Đây là vấn đề được Đoàn giám sát quan tâm và cần đề ra biện pháp xử lý cụ thể trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cử tri rất quan tâm tới vấn đề trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt tổng mức đầu tư, một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch, gây lãng phí không nhỏ. Ngoài ra, vấn đề lãng phí trong sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp, vấn đề lãng phí trong quản lý nhân lực, lãng phí thời gian trong các cơ quan nhà nước cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đây cũng là những tồn tại, hạn chế cần được sớm giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Phóng viên: Vậy có những giải pháp mấu chốt nào để khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế này trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật liên quan tới thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thưa đại biểu?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tôi cho rằng, trước hết, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chế độ, chính sách quản lý tài chính, hệ thống tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính; bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với thực tế yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt đối với việc quản lý tài chính, tài sản công, kế hoạch đầu tư, đấu thầu đối với các đơn vị, địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc phát huy hiệu quả giám sát không chỉ nằm ở việc xác định rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, xử lý sai phạm, nâng cao tính răn đe, mà còn ở việc phát hiện những mô hình tốt, cách làm hay, giúp tiết kiệm nguồn lực, sử dụng linh hoạt tài nguyên để đạt được hiệu quả cho tổ chức, cho cộng đồng. Những ý tưởng, những sáng tạo trong vận dụng linh hoạt nguồn lực ở các Bộ, ngành, các đơn vị, các địa phương đều cần được ủng hộ, khích lệ, tuyên dương và nhất là cần được phổ biến rộng rãi để cùng học hỏi, ứng dụng rộng khắp.

Đơn cử như trong việc quản lý tài sản công, có nhiều sáng kiến đã được các đơn vị đưa ra và áp dụng như: tận dụng, khai thác có hiệu quả tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại hiện có; rà soát, điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu; thu hồi nộp ngân sách các khoản thu phát sinh từ sử dụng tài sản không đúng quy định; quy định cụ thể về định mức tiêu hao xăng, dầu, mở sổ theo dõi lịch trình hoạt động của từng xe ô tô, tàu, thuyền và các phương tiện khác; tăng cường sử dụng xe ô tô chung khi đi công tác nhiều người hoặc sử dụng phương tiện công cộng khi không cần thiết phải đi xe ô tô riêng; tổ chức sử dụng hợp lý, tiết kiệm xe ô tô công trong các chuyến đi công tác cơ sở, phục vụ hội nghị.

Một số sáng kiến khác đã chứng minh được hiệu quả khi áp dụng thực tế như: tổ chức lồng ghép các nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào trong các buổi sinh hoạt, hội họp để trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, người lao động; hình thành nên thói quen tiết kiệm, nâng tầm “tính tiết kiệm” trở thành “văn hóa tiết kiệm” trong sinh hoạt và làm việc của mọi người; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có ý thức và đem lại kết quả trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng, bổ sung chính sách phù hợp trong việc phân bổ nguồn thu nhập cuối năm từ nguồn kinh phí tiết kiệm trong năm dựa trên tiêu chí đóng góp, làm lợi, làm tăng nguồn thu nhập do việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cá nhân, tập thể.

Cơ sở, đơn vị và các địa phương là nơi trực tiếp thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vì vậy, theo tôi, những sáng kiến, ý tưởng, mô hình mới, cách làm hay đã được thực tế kiểm nghiệm từ cơ sở, địa phương chính là chìa khóa để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này. Việc ươm mầm những sáng kiến tiết kiệm từ chính địa phương và nhân rộng ra nhiều cơ sở, nhiều đơn vị và địa phương hơn nữa, là giải pháp mấu chốt nhất để vừa tạo ra giá trị, vừa khơi dậy tinh thần, tạo ra hiệu quả lan tỏa cho chuyên đề giám sát quan trọng này.

Phóng viên: Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch đầu tư công, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động… Đặc biệt, tại Phiên họp này diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề nóng hổi đang được dư luận quan tâm. Đại biểu có chia sẻ gì về phiên chất lần này?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tại Phiên họp tháng 8 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề quan trọng, bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội, đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Qua lựa chọn kỹ lưỡng và xét đến yêu cầu từ thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn hai nhóm vấn đề để thực hiện chất vấn. Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Tôi cho rằng việc lựa chọn những nội dung này là quyết định hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân. Hai nhóm vấn đề này đều có vị trí, vai trò mấu chốt trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, hiện đều đang có những vướng mắc cần tháo gỡ, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Tôi mong rằng các Bộ, ban, ngành hữu quan sẽ tích cực vào cuộc ở mức độ cao, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để Phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm, đạt được mục tiêu đề ra.

Các phiên chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã được tổ chức thành công, để lại dấu ấn lớn với cử tri, đồng thời cũng đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Tôi hy vọng Phiên chất vấn lần này sẽ giúp đem lại cái nhìn tổng quan, đi sâu vào nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề tồn đọng trong hai lĩnh vực này, từ đó đưa ra được những giải pháp khả thi, thuyết phục, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vũ Hà