ĐBQH TỐNG VĂN BĂNG: ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

04/08/2022

Tham gia ý kiến hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tống Văn Băng– Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng Luật cần quy định phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị năm 1966 và Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 1966, với nền tảng hướng tới là đảm bảo các quyền về lao động, quyền con người cho người lao động.

Bảo đảm bình đẳng, công khai và minh bạch trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Đại biểu Tống Văn Băng– Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng tham gia thảo luận

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Tống Văn Băng– Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ thống nhất với tên gọi của dự thảo, đây là dự thảo có tên gọi mới so với kế hoạch do tiếp thu nhiều yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với việc mở rộng hơn so với Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn do mở rộng phạm vi về khái niệm cơ sở và tích hợp được các vấn đề dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và trong khối đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đại biểu cho biết, khi chúng ta quy định thêm về nội dung chuyển từ Luật Thanh tra, nội dung liên quan đến Chương V là Thanh tra nhân dân trong luật này, nhằm bổ sung thêm cho vấn đề dân chủ ở cơ sở, có ý kiến cho rằng chúng ta cũng xem xét tên gọi là không đưa cụm từ “thực hiện” trong dự thảo. Tuy nhiên, trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, việc triển khai cụ thể một mục tiêu cần có hiệu quả hơn thì tiếp tục phải sử dụng động từ phía trước, ví dụ như là Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, v.v. và nhất là chúng ta cần phải nhấn mạnh thêm cụm từ thực hiện trong luật để đảm bảo bởi vì các quy phạm của chúng ta cũng đã có nhiều các nội dung liên quan đến thực hiện về dân chủ. Tuy nhiên, nên nhấn mạnh rằng việc thực hiện cần được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp quy định tại Chương IV. Các nội dung quy định tại chương này gồm có 4 mục từ Điều 45 đến Điều 56 quy định các quyền của người lao động trong doanh nghiệp gồm các quyền tham gia ý kiến, người lao động quyết định, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát và một mục về người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thực hiện và nội dung này có nghĩa gián tiếp quy định quyền của người lao động trong doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng Luật cần quy định rõ về sự cần thiết của nội dung này, cụ thể, những quy định phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị năm 1966 và Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 1966 với nền tảng hướng tới là bảo vệ và đảm bảo các quyền về lao động, quyền con người tốt hơn.

Đối với vấn đề về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Điều 8, đại biểu bày tỏ thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật. Hiện nay các nội dung văn bản quy phạm của chúng ta đã có quy định và một số các biện pháp chế tài. Tuy nhiên, ở trong luật này, về thực tiễn thì nhiều hoạt động vẫn là hình thức hoặc có một số chủ thể đã lợi dụng các quy định về dân chủ để nhằm mục đích phá hoại hay ngăn cản, hay xâm phạm các quyền dân chủ của các chủ thể khác. Cho nên việc quy định các nội dung này về xử lý các chế tài theo hình thức chế tài hành chính, chế tài dân sự và chế tài hình sự là phù hợp để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đối với các quy định của trong Bộ luật Lao động. chúng ta đã tham chiếu và đưa vào trong Bộ luật Lao động các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế, đặc biệt là 8 công ước cơ bản của Luật Quốc tế, đồng thời cũng đã đưa vào các nội dung liên quan đến một số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liên quan đến lao động ở trong nội dung này. Trong thực tế pháp luật về lao động cũng quy định về nguyên tắc tại các Điều 63, 64, 92, 98, v.v. của Bộ luật Lao động. Về thực hiện dân chủ và công khai trong Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn cụ thể để thực hiện, chúng ta có Nghị định 145 năm 2020. Trước đó thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2012, chúng ta cũng đã có Nghị định 149 năm 2018 và Nghị định 60 của 2013. Tuy nhiên, thực tiễn các doanh nghiệp hiện nay việc đối thoại công khai, tôn trọng các quyền, nhất là quyền về lao động và quyền con người của người lao động còn chưa hoàn toàn được đảm bảo.

Đại biểu nhấn mạnh, qua nghiên cứu báo cáo chung, những đơn vị, doanh nghiệp nào tổ chức tốt việc đối thoại công khai thì ít xảy ra các tranh chấp lao động tập thể. Những đơn vị nào tổ chức được công khai được các nội dung liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công bố về thang bảng lương, các định mức về lao động và tiền lương, tiền thưởng đặc biệt trong dịp lễ Tết, v.v. thì sẽ giảm thiểu rất nhiều tranh chấp lao động các doanh nghiệp.

Liên quan đến Chương IV, có một số đại biểu còn băn khoăn về việc ảnh hưởng đến quan hệ lao động có thể sẽ gây xáo trộn. Tuy nhiên, đại biểu Tống Văn Băng cho rằng, trong thực tế quy chế dân chủ trong doanh nghiệp như việc đối thoại công khai người lao động được thực hiện nghiêm túc hơn ở các khối doanh nghiệp FDI chứ không phải ở trong các các khối khác. Mặt khác, nội dung này cũng được quy định chủ yếu ở giới hạn quyền của người lao động trong doanh nghiệp. Do đó, theo quan điểm của đại biểu, nội dung này không ảnh hưởng đến quan hệ lao động, mà còn thúc đẩy hơn nữa quyền lao động, quyền con người trong doanh nghiệp. Để hạn chế hơn nữa những cách hiểu và cách áp dụng quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối ngoài nhà nước, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế một điều luật quy định về áp dụng luật này với các luật khác liên quan để đảm bảo các nội dung được áp dụng hợp lý và hiệu quả trong thực tế.

Hồ Hương