ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: XEM XÉT BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

27/07/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo bước chuyển biến đột phá, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo tích hợp đa ngành gắn kết giữa phát triển nông thôn, nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ...


Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự thống nhất cao với Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể khẳng định, công tác lập và thực hiện chương trình thời gian qua đã được đặc biệt chú trọng với nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả; có sự tập trung quyết liệt, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các chủ thể khác trong quá trình lập pháp. Đặc biệt, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế với phương châm "tập trung hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa". 6 phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật đã được tổ chức cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã thực sự được quan tâm xứng tầm, là một đột phá chiến lược của nhiệm kỳ.


Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng cực Nam thành đồng của Tổ quốc, là cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước, nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển của cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế với các quần đảo, chuỗi đảo hết sức quan trọng, kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông, nối với Ấn Độ Dương.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam và thế giới, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo ra những động lực to lớn, thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước trong thời kỳ mới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn  Phú Trọng đã khẳng định: Một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị là đẩy mạnh việc thực hiện và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên tính đặc thù cho phát triển vùng.

Xuất phát từ yêu cầu, tầm quan trọng và vị trí của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở mong muốn nguyện vọng của cử tri tỉnh Đồng Tháp nói riêng và 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo bước chuyển biến đột phá, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Cửu Long làm chủ và vươn lên mạnh mẽ, nhất là tạo cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo tích hợp đa ngành gắn kết giữa phát triển nông thôn, nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ, giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Việc xem xét này góp phần giúp cho khu vực này ưng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Hình thành chuỗi giá trị ngành sản xuất sản phẩm của vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị./.

Bích Lan