ĐBQH NGUYỄN TẠO GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

13/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tạo đã đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Tạo tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết ban hành luật của phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo luật, với tinh thần chung là tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng hiện hành, với những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn của Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, có những văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật mới được ban hành.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng trên thực tiễn hiện nay rất phát triển, đa dạng, với nhiều loại hình, lĩnh vực chuyên ngành, công tác quản lý cũng đã bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp với tình hình, có những công trình lớn, quan trọng chưa đưa vào sử dụng hoặc chỉ mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng; xây dựng không phép, trái phép không đúng quy hoạch, sai thiết kế diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải sửa đổi một cách toàn diện luật này là sự cần thiết.

Trong điều kiện cần sửa đổi trước mắt một số nội dung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để Chính phủ quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị sửa đổi toàn diện đối với dự án luật này nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động xây dựng về lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Tạo phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Hai là, về phân loại và phân cấp công trình xây dựng dự án đầu tư xây dựng sửa đổi ở Điều 5 và Điều 49. Về cơ bản việc sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại và phân cấp công trình ở dự luật lần này đã bảo đảm tính khoa học, ổn định và đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét kỹ hơn để bảo đảm phân loại phù hợp và thống nhất áp dụng giữa các luật hiện hành. Chẳng hạn như khoản 2 Điều 49 dự thảo Luật Xây dựng nay được sửa thành khoản 8 Điều 1 dự thảo của luật sửa đổi, bổ sung quy định “theo quy mô, tầm quan trọng dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 9 này lại quy định dự án PPP được phân loại như sau:

a. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

b. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

c. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của bộ, cơ quan trung ương và cơ quan khác.

d. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan và Ban soạn thảo xem xét để có sự thống nhất về cách phân loại giữa các luật hiện nay.

Ba là, về nội dung cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng được sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương V. Đại biểu bày tỏ thống nhất quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Điều đó được ghi nhận tại Điều 89 của dự thảo luật và đã quy định các trường hợp không yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, về quản lý trật tự xây dựng, đại biểu cho rằng việc quy định về thanh tra xây dựng gồm thanh tra xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về xây dựng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, đầu tư xây dựng hiện ở Điều 165 Luật Xây dựng là chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý trật tự xây dựng hiện nay.

Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ vấn đề này để có quy định phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra xây dựng gắn với chức trách của cấp chính quyền đô thị và pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Trong luật có quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến thẩm định công trình xây dựng và thành lập Hội đồng thẩm định Đồ án quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, đại biểu chưa thấy một chế định nào quy định trách nhiệm về quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý thẩm duyệt và Hội đồng thẩm định. Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trên trong luật này nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân để tăng cao hiệu quả và chất lượng công việc như một số đại biểu Quốc hội đã nêu.

Cuối cùng là vấn đề chưa được quy định một cách rõ ràng, đó là hiện nay một số mô hình đô thị trên thế giới và trong nước đang hình thành phát triển như mô hình đô thị sinh thái, đô thị thông minh, mô hình làng đô thị xanh, mô hình công trình sinh thái, công trình kinh doanh, sản xuất, dịch vụ du lịch và mô hình nhà ở gắn liền với đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đô thị. Các mô hình hiện nay đã và đang được áp dụng, đã tạo ra nhiều không gian xanh, trong đó cải thiện về đô thị, môi trường thân thiện, gần gũi với thiên nhiên hơn, nó tác động trực tiếp, hằng ngày để không gian sống của con người trong đô thị tốt hơn như là ảnh hưởng đến môi trường, không khí, sức khỏe, tâm sinh lý, môi trường làm việc, an ninh trật tự, an toàn xã hội, v.v.. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình trên chưa có quy định trong các luật hiện hành.

Do đó, qua đợt điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung lần này, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, nghiên cứu các chế định, tiêu chí chung về các mô hình nêu trên để nâng cao chất lượng của môi trường sống trong cộng đồng tốt hơn, đồng thời bắt kịp với xu hướng phát triển mô hình sinh thái của thế giới và góp phần cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nghĩa Đức - Bích Lan

Các bài viết khác