Thông báo Kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

18/09/2012

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, trong các ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2012, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Thanh tra Chính phủ. Tham gia báo cáo giải trình làm rõ thêm các câu hỏi của đại biểu Quốc hội có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Phiên chất vấn có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước, đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và một số vị đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự quan tâm theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Trên cơ sở tổng hợp chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và 38 chất vấn được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội sau kỳ họp, nội dung các nhóm vấn đề chất vấn được gửi sớm đến các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Tại phiên chất vấn, đã có 65 lượt đại biểu Quốc hội trực tiếp nêu câu hỏi chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của ba vị Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trân trọng thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả phiên chất vấn như sau:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian tham gia phiên chất vấn, nghiên cứu kỹ nội dung, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nhóm vấn đề cần chất vấn; các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về nhóm vấn đề chất vấn, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, thể hiện ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có những đổi mới; với không khí làm việc thẳng thắn, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đáp ứng được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã nêu trong phiên chất vấn, bao gồm:

2.1 Trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội

- Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, giải pháp trong lĩnh vực dạy nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm của thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực;

- Cần tăng cường thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với điều kiện đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó lưu ý việc bố trí cơ sở dạy nghề và nghiên cứu nội dung phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững cho người nghèo nhất, vùng khó khăn nhất;

- Triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại trong hoạt động dạy nghề; thực hiện nghiêm túc Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược dạy nghề, chiến lược, quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020, bảo đảm đạt hiệu quả thực tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững;

- Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động (sửa đổi); hoàn thiện dự thảo Luật việc làm, trong đó có nội dung lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; có cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

- Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, nhất là đối với các dự án đầu tư do nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thi công tại Việt Nam. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

2.2 Trong lĩnh vực ngân hàng

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức hợp lý; tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, nhất là đối với các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên trong tiêu thụ nông sản, thuỷ sản… đảm bảo tăng trưởng tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho triển khai các chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ…

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về cho vay, tỉ lệ an toàn vốn, giới hạn cấp tín dụng, việc trích lập dự phòng rủi ro và quy định về an toàn hoạt động tín dụng. Chủ động cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện mua bán nợ theo quy định của pháp luật; có phương án xử lý nợ xấu, bảo đảm giảm dần nợ xấu, không để tình trạng nợ xấu vượt khỏi tầm kiểm soát; thực hiện việc phát mại tài sản thế chấp, thu hồi các khoản nợ cho ngân hàng;

- Triển khai và giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần, không để xảy ra tình trạng các ngân hàng cạnh tranh trái pháp luật, thôn tính lẫn nhau hoặc chỉ sáp nhập cơ học các ngân hàng yếu kém. Đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng;

- Áp dụng hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống đánh giá rủi ro đối với tổ chức tín dụng và cảnh báo sớm trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm để hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với giữ mức lạm phát hợp lý; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

2.3 Trong lĩnh vực thanh tra

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thời hạn ra kết luận thanh tra. Khẩn trương rà soát các vụ việc đã kết thúc thanh tra để ban hành văn bản kết luận. Nâng cao chất lượng và tính khả thi của kết luận thanh tra;

- Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng theo quy định của pháp luật; kiên quyết chống “hành chính hoá” tội phạm trong hoạt động thanh tra;

- Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp; tiếp tục thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra để điều tra, xử lý;

- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp từ nay đến 31-12-2012 tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài được dư luận xã hội quan tâm và công bố công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời chất vấn tại phiên họp này có chương trình, kế hoạch, biện pháp thiết thực để thực hiện những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước. Đồng thời, đề nghị các vị đã trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội khóa XIII tiếp tục triển khai thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 sắp tới. Dự kiến Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe các báo cáo và tiếp tục trao đổi thêm về những vấn đề này.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tăng cường hoạt động báo cáo, giải trình gắn với việc triển khai nhiệm vụ lập pháp, giám sát của mình; các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày càng chất lượng, hiệu quả./.

CHỦ NHIỆM

Đã ký

 

Nguyễn Hạnh Phúc

 

(Văn phòng Quốc hội)