Thông cáo phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII

28/02/2009

Từ ngày 23 đến 27 tháng 2 năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 17 tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, bao gồm các dự án: Luật người cao tuổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai.

- Về dự án Luật người cao tuổi: Qua 8 năm thi hành, Pháp lệnh người cao tuổi đã thể hiện được quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc  chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Tuy nhiên, trước tình hình tuổi thọ trung bình tăng cao, người cao tuổi ngày càng nhiều, một số chế độ, chính sách, quyền và nghĩa vụ pháp lý của người cao tuổi chưa được xây dựng đầy đủ, cụ thể, đồng bộ. Do đó, việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật là cần thiết để quy định cụ thể hơn các chính sách xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta, khuyến khích động viên và tôn vinh người cao tuổi tiếp tục phát huy, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ:  Luật sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua năm 2005, là cơ sở pháp lý cho việc khuyến khích, bảo vệ thành quả lao động sáng tạo của cá nhân, tổ chức; tạo điều kiện để nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung nhằm nội luật hóa những quy định của Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập; khắc phục các tồn tại bất cập, bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức… Đồng thời, cụ thể hóa các quy định có tính nguyên tắc về sở hữu trí tuệ đã được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005. 

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai: Quốc hội đã thông qua Luật nhà ở năm 2005 và Luật đất đai năm 2003, trong đó có quy định về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, quy định về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam đối với kiều bào vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung đồng thời Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai là cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, giải quyết triệt để hơn những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, khuyến khích nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia cống hiến, xây dựng đất nước.

 2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ trái phiếu Chính phủ năm 2009.

Năm 2009, trong điều kiện kinh tế suy giảm, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, giá dầu thô lên xuống khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn ngân sách trung ương. Nguy cơ giảm thu ngân sách nhà nước so với Nghị quyết của Quốc hội là rất lớn, trong khi sức ép tăng chi cho đầu tư phát triển và chi an sinh xã hội ngày càng lớn. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét và tán thành với nguyên tắc phân bổ năm 2009, yêu cầu phải bám sát vào các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong giới hạn cho phép, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị tiến hành chất vấn tại phiên họp thứ 18 (3-2009) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Ban công tác đại biểu có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp và lựa chọn nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; chủ động dự kiến nội dung và danh sách người trả lời chất vấn để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định việc nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân.

Báo Người đại biểu nhân dân là diễn đàn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và của cử tri, là phương tiện để nhân dân phản ánh ý chí, nguyện vọng tới Quốc hội và các cơ quan Nhà nước. Việc nâng cấp Báo người đại biểu nhân dân trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm đảm bảo vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ mới của Báo, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay .

5. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số nội dung:

- Cho ý kiến về tổ chức, biên chế của Văn phòng Quốc hội năm 2009;

- Xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán Toà án nhân dân các cấp năm 2009 và 2010;

- Xem xét, thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.

- Cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 1157 của UBTVQH quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

(Văn phòng Quốc hội)

 
  • Phiên họp thứ 14
  • Tin Đoàn Đại biểu Quốc hội
  • Phiên họp thường vụ ngày 04/6
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X