10 NĂM QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT – PHÁP: VIỆT NAM CHIẾM MỘT VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT TRONG TRONG TRÁI TIM NƯỚC PHÁP VÀ NGƯỜI PHÁP

19/01/2023 18:52

Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Chia sẻ trước thềm năm kỷ niệm đặc biệt này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhấn mạnh Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong trong trái tim nước Pháp và người Pháp.

Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Chia sẻ trước thềm năm kỷ niệm đặc biệt này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, lịch sử chung của hai nước lâu đời hơn nhiều so với việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, và mối quan hệ của hai nước đã kéo dài hơn con số 50 năm. Pháp đã quan tâm đến khu vực này từ thế kỷ XIX. Đường phố Hà Nội còn có những ngôi biệt thự từ thời Pháp, ngôn ngữ tiếng Việt vẫn còn những từ ngữ bắt nguồn từ tiếng Pháp; hay trên đường phố Paris, có đông đảo cộng đồng người gốc Việt sinh sống, ẩm thực Việt Nam thu hút đám đông, và các nghệ sĩ gốc Việt tập trung ở các hiệu sách, phòng hòa nhạc và rạp chiếu phim.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử và trong trái tim của nước Pháp và người Pháp, và Pháp đã dành một sự quan tâm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam và các nước láng giềng. Không phải ngẫu nhiên mà các Hiệp định hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được thảo luận và sau đó được ký kết tại Paris vào năm 1973.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery

Dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher đã nói trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2022: “chúng ta chỉ giữ lại những gì tốt đẹp nhất và những gì cho phép chúng ta cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng - đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp”, Đại sứ Pháp tại Việt Nam khẳng định mong muốn kiên định của nước Pháp trong việc tiếp tục tiến lên phía trước trong những hoạt động hợp tác cụ thể, đáp ứng các ưu tiên chung.

Nhìn lại những cột mốc đáng nhớ cũng như những thành tựu quan trọng trong mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong 10 năm hai nước nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác chiến lược”, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nêu rõ, đây là mối quan hệ dày đặc và hiệu quả. Một trong những mốc thời gian quan trọng của mối quan hệ này là khi Tổng thống François Mitterrand tới Việt Nam vào năm 1993, gần 30 năm trước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nguyên thủ quốc gia phương Tây tới Việt Nam kể từ khi Việt Nam giành được độc lập, và là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy tham vọng của Pháp và Việt Nam nhằm nối lại mối quan hệ, trong bối cảnh Đổi mới, và đưa Việt Nam trở lại hòa nhập với các quốc gia, tại một thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn.

Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, chuyến thăm này đã tạo điều kiện để bắt đầu một giai đoạn quan trọng cho việc khởi động các lĩnh vực hợp tác mới. Tiếp nối chuyến thăm này, trong những năm tiếp theo (1993 - 1995), đó là việc mở văn phòng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ngày nay để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng; Trường Viễn Đông Pháp (EFEO), động lực thúc đẩy các dự án chung trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhân văn; bổ nhiệm tùy viên quốc phòng, nhằm phát triển quan hệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng vào thời điểm mà những vấn đề này đã trở nên quan trọng. Tiếp theo đó là các cơ quan khác, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), nơi tiên phong các dự án nghiên cứu Pháp - Việt trong các lĩnh vực có tầm quan trọng lớn như môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher

Giai đoạn sau đó được đánh dấu bằng sự gia tăng các chuyến thăm chính trị cấp cao, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1997 và 2004 và Tổng thống François Hollande vào năm 2016, giúp tăng cường hợp tác và khởi xướng các dự án mới đã đạt được nhiều thành công, như các dự án liên kết đại học trong khoa học và công nghệ (USTH), quản lý (CFVG) hay đào tạo kỹ sư (PFIEV). Sự hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác: giáo dục, nghiên cứu, y tế, môi trường, thương mại, văn hóa, di sản, quản trị, luật pháp... Những năm 2000 - 2010 được đánh dấu bằng việc củng cố mối quan hệ mà điểm nhấn là việc hai nước nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ trước đó, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp từ đó thực sự đã có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết. Các chuyến thăm chính thức Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tháng 4/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11/2018 và việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, mới gần đây nhất là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021; và chuyến thăm Việt Nam ngay đầu tháng 12/2022 của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.

Về kinh tế, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.

Ngoài ra, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp.

Minh Hùng

Các bài viết khác