CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DỰ PHIÊN TOÀN THỂ HỘI THẢO DU LỊCH 2021 TẠI NGHỆ AN

25/12/2021 15:13

Chiều 25/12, Phiên toàn thể của Hội thảo Du lịch 2021 "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội thảo; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội thảo.

 

Tham dự phiên toàn thể tại điểm cầu trung tâm Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (tham dự trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ… cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; các chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên toàn thể Hội thảo Du lịch 2021

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng du lịch cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn. Hơn nữa, khi du lịch được phục hồi sẽ tạo ra tác động lớn, có sức lan tỏa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo có ý nghĩa này; đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh nước ta đang từng bước kiểm soát đại dịch, duy trì, phục hồi sản suất kinh doanh, hướng tới giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Nghệ An, vùng đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của Bác Hồ kính yêu; là nơi có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh phong phú; cùng với những nét tính cách đặc sắc của người xứ Nghệ với lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; khí chất cương trực, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên cội nguồn, đó là những tài sản, tiềm năng, lợi thế vô cùng quý giá giúp cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực Du lịch của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.

“Liên quan tới chủ đề này, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, cuộc Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều các ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Qua tiếp cận ban đầu tập tài liệu công phu của Hội thảo, nhất là các tham luận sâu sắc, thiết thực của các đại biểu của các cơ quan, đơn vị trong nước và tổ chức quốc tế trong phiên chuyên đề sáng nay; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, Hội thảo được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng; các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương, phát huy trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực du lịch, kinh tế, tài chính, văn hóa, môi trường. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực du lịch đã rất quan tâm, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm qua các bài tham luận rất có chất lượng, thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phiên toàn thể chiều nay, các đại biểu tiếp tục đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch. Phần tọa đàm với các nhà quản lý, các chuyên gia đã trao đổi kỹ hơn về Du lịch của Việt Nam trong ngày mai. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, muốn du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển, nhanh, mạnh và bền vững cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các sản phẩm du lịch có thương hiệu; có năng lực cạnh tranh; có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng; thực hiện chuyển đổi số trong ngành; rà soát lại việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chưa chuyển hóa thành sự thực. Thực tế thủ tục nhập cảnh du khách quốc tế vẫn chưa được đơn giản hóa... cũng chính là rào cản để bè bạn quốc tế đến với Việt Nam. Nên chăng mỗi tháng tổ chức một sự kiện du lịch mang tầm quốc gia. Cấu trúc thể chế có nên thay đổi, nếu đã xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn theo PGS.TS Trần Đình Thiên hoàn toàn có thể thành lập Bộ Du lịch để làm cho du lịch mạnh lên, xứng tầm.

Một số ý kiến khác cho rằng giải pháp quan trọng nhất là liên kết, kết nối các bên có liên quan để hoạt động du lịch có quy mô, mang tầm chiến lược, thể hiện được vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất Việt Nam nên xây dựng những điểm đến ngang tầm với những điểm đến hàng đầu của thế giới để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam với chất lượng, đẳng cấp, sự khác biệt của sản phẩm dịch vụ du lịch. Câu chuyện mở cửa cấp địa phương, cấp quốc gia một cách đồng bộ tiếp tục được các đại biểu cho ý kiến. Dịch vụ du lịch bên cạnh tính chuyên nghiệp cần phải thực hiện bằng trái tim bởi “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm tới, trong đó kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, sớm hoàn thiện và tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 phù hợp với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.../.

Phan Hằng - Ngô Trang