ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ DÀNH SỰ QUAN TÂM THÍCH ĐÁNG ĐẾN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

23/05/2024 14:25

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ dành sự quan tâm thích đáng đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là lộ trình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024 theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV: PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÁCH NHIỆM, TÂM HUYẾT, ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Quan tâm đến việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo quy định, từ ngày 01/01/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới một triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình thực hiện từ nâng cao nhận thức của người dân đến đầu tư hạ tầng, thực hiện các quy định phân loại rác tại hộ gia đình (rác tái chế, rác hữu cơ, rác vô cơ).

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Nguyễn Huy Thái cho biết, qua tiếp xúc cử tri và theo dõi lộ trình thực hiện quy định này tại các địa phương đang lúng túng. Văn bản hướng dẫn quy trình làm cơ sở thực hiện các bước thu gom, vận chuyển, xử lý rác, cơ sở hạ tầng đảm bảo đồng bộ, triệt để vẫn chưa được ban hành. Như vậy, chỉ còn hơn 7 tháng nữa là đến thời điểm phải thực hiện phân loại rác từ hộ gia đình phải đồng bộ thực hiện, nhưng thực tế cho đến nay địa phương đang gặp khó.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 60 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 60% rác thải đô thị. Dự báo đến năm 2025, rác thải sinh hoạt sẽ tăng thêm 10%. Để có cơ sở cho các địa phương thực hiện lộ trình này, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư về quy trình kỹ thuật vận chuyển, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển làm cơ sở thực hiện.

Đại biểu cho rằng, thời điểm này mới tiến hành lấy ý kiến vào dự thảo để hoàn thiện để ban hành thông tư, như vậy rất khó thực hiện lộ trình đúng như luật định, dễ có độ trễ trong thực thi chính sách. Bởi nếu không có hướng dẫn cụ thể, các địa phương không thể triển khai, vì vậy đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị Chính phủ dành sự quan tâm thích đáng cho vấn đề này.

Đại biểu cho biết, việc ban hành thông tư đã chậm, nhưng ngay trong bản dự thảo đang được lấy ý kiến còn một số vướng mắc, bởi hiện chỉ có một số địa phương đã thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, phần lớn địa phương chưa có hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo thông tư mới chỉ quy định đối với rác sau phân loại, những địa phương chưa tiến hành phân loại rác tại nguồn sẽ không thể áp dụng theo quy định tại dự thảo thông tư đang được xin ý kiến. Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung định mức kinh tế đối với địa phương chưa tiến hành phân loại rác tại nguồn, từ đó có cơ sở áp dụng trong thực tế đối với rác trước khi phân loại.

Ngoài quy trình xử lý rác bằng phương pháp đốt rác phát điện và đốt không thu hồi năng lượng, đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị bổ sung quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ ở nông thôn thành phân bón vi sinh nhưng trên thực tế đầu ra của loại phân bón này chưa hiệu quả. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể, quan tâm đến bao tiêu sản phẩm và thị trường tiêu thụ đối với phân bón hữu cơ.

Đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Cũng quan tâm đến các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm nhiệm vụ quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt.

Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (báo cáo ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2023), công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn bằng hình thức chôn lấp còn cao (64%), chưa đạt mục tiêu đề ra là 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân. Nhiều địa phương còn tồn tại các bãi rác tạm, trạm trung chuyển, điểm tập kết, thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, lò đốt rác thải không đạt yêu cầu bảo vệ môi trường. Nhiều bãi chôn lấp rác thải tại một số thành phố đang quá tải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thường xuyên gặp phải sự phản đối của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn An cho biết, vấn đề nan giải hiện nay là việc chậm triển khai phân loại rác tại nguồn ở hầu hết các địa phương cùng với hạ tầng thu gom và xử lý rác thải không đồng bộ, thiếu quy hoạch có thể dẫn đến việc không bảo đảm thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường về thời gian thực hiện phân loại rác thải tại nguồn phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Mặt khác, đa số các cụm công nghiệp đang hoạt động (69,7%) chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường phải hoàn thành trước ngày 01/01/2024). Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, chỉ đạt khoảng 17%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.  

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm yêu cầu hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải tại các cụm công nghiệp. Đồng thời, đề nghị xem xét trong nghị quyết kỳ họp Quốc hội có nội dung yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020./.

Lan Hương

Other news