SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO CẦN BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

29/03/2024 08:46

Theo TS.Nguyễn Văn Hợi, Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) ghi nhận nhiều điểm khác biệt so với Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, trong những điểm sửa đổi và những điểm mà dự thảo kế thừa của Luật Công chứng năm 2014 vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2015.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 

Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Việc sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) xin ý kiến gồm  10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Quan tâm góp ý trực tiếp vào quy định tại dự thảo Luật, TS. Nguyễn Văn Hợi, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục rà soát,hoàn thiện các quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Bộ Luật Dân sự. Cụ thể:

Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo và nhiều quy định khác trong dự thảo đang sử dụng cụm từ “cá nhân, tổ chức” để mô tả người yêu cầu công chứng. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể có tư cách độc lập được ghi nhận chỉ bao gồm cả nhân và pháp nhân mà không bao gồm các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo đó, các tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

TS. Nguyễn Văn Hợi, Trường Đại học Luật Hà Nội

Tuy nhiên, dự thảo lại ghi nhận rằng “Người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó”. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất và có thể xảy ra trường hợp một tổ chức không có tư cách pháp nhân lại uỷ quyền cho một cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện việc yêu cầu công chứng. Đương nhiên việc uỷ quyền này sẽ không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng thay hai từ “tổ chức” bằng hai từ “pháp nhân” để mô tả về người yêu cầu công chứng và các chủ thể khác có liên quan nhằm bảo đảm cách hiểu và áp dụng thống nhất.

Thứ hai, tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo xác định một trong các nguyên tắc hành nghề công chứng đó là “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”. Nếu ghi nhận nội dung nguyên tắc này có thể dẫn đến cách hiểu rằng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng không phải chịu trách nhiệm trước người khác có liên quan, ví dụ người thứ ba chịu ảnh hưởng bởi văn bản công chứng không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 5 (giá trị pháp lý của văn bản công chứng) có quy định rằng “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch có thỏa thuận khác.”. Tuy nhiên, nội dung này không cần thiết ghi nhận vì đoạn này thể hiện nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định về bảo vệ quyền dân sự tại các điều 11, 14 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, không cần thiết phải thiết kế nội dung này tại khoản 2 Điều 5 Dự thảo.

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng

Thứ tư, tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo có quy định về một trong hành vi bị nghiêm cấm với nội dung như sau: “Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản”. Quy định này không phù hợp, bởi vì người yêu cầu công chứng có thể chỉ là một bên của giao dịch nên việc họ đồng ý bằng văn bản để công chứng viên được tiết lộ thông tin có thể gây ảnh hưởng cho bên còn lại hoặc người thứ ba. Quy định đang có sự không thống nhất với quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, ngay cả khi người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản mà việc tiết lộ thông tin đó ảnh hưởng đến những người khác thì công chứng viên cũng không được phép thực hiện.

Thứ năm, tại điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo ghi nhận hành vi bị cấm là “công chứng giao dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông bà nội, ông bà ngoại; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi”. Tuy nhiên, cần xem lại cụm từ “ông bà nội, ông bà ngoại” ở đây là người có quan hệ huyết thống với công chứng viên hay kể cả người không có quan hệ huyết thống nhưng là cha nuôi, mẹ nuôi của cha mẹ đẻ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi của công chứng viên. Nếu chỉ là người có quan hệ huyết thống mới được xác định là ông bà nội, ông bà ngoại thì cần bổ sung thêm cụm từ “ông bà là cha, mẹ nuôi của cha mẹ đẻ hoặc cha, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi của công chứng viên” để đảm bảo sự tương thích với đoạn “cháu là con của con đẻ, con nuôi” ở cuối điểm c này.

Ngoài ra, qua rà soát, TS. Nguyễn Văn Hợi cũng kiến nghị hoàn thiện các quy định trong chương về Công chứng viên, các quy định trong chương Thủ tục công chứng giao dịch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại Bộ Luật Dân sự./.

Lê Anh