GÓC NHÌN: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ TRƯỚC QUỐC HỘI TRONG GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT

07/02/2024 11:41

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Trong quá trình thực hiện giám sát, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS.Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương với tiêu đề “Giải pháp nâng cao chất lượng giải trình của Chính phủ trước Quốc hội trong giám sát thi hành pháp luật”.

GÓC NHÌN: THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

GÓC NHÌN: NÂNG CAO VỊ TRÍ, VAI TRÒ, CHẤT LƯỢNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NHẤT LÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Theo quy định pháp luật, hoạt động giám sát của Quốc hội bao gồm: Giám sát tối cao của Quốc hội (được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội), giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Trong quá trình thực hiện giám sát, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.

Tại Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về trách nhiệm giải trình, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội: Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó (Điều 77 Hiến pháp 2013); Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (Điều 94 Hiến pháp 2013). Như vậy, theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo và giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức thi hành pháp luật trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Điều này được cụ thể hóa trong các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Quốc hội như “Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 29 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm (Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 37 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách, Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội).

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao (khoản 5 Điều 3) và “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình (khoản 1 Điều 15)”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Đặc biệt, trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong đó có Chính phủ được làm rõ và quy định xuyên suốt Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó có giải thích khái niệm “giải trình” tại khoản 8 Điều 2 “Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định”.

Các quy định về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, tạo cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, góp phần nâng cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ.

1. Những mặt tích cực

Với những quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động giám sát của Quốc hội, chất lượng công tác giải trình của Chính phủ ngày càng được thực hiện trách nhiệm, nghiêm túc và chất lượng.

- Trong các nhiệm kỳ gần đây, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên tổ chức các phiên giải trình về việc thực hiện các chính sách pháp luật trong phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban với sự tham gia của các thành viên Ủy ban, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Các nội dung lựa chọn tổ chức các phiên giải trình tương đối đa dạng, toàn diện, tập trung vào các vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tại các phiên giải trình, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, mang tính xây dựng để làm rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các Bộ, ngành trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; từ đó góp phần gợi mở các giải pháp khắc phục những bất cập, tồn tại trên thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. 

- Chất lượng hoạt động chất vấn tại các kỳ họp, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng được nâng cao và luôn là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Việc lựa chọn các lĩnh vực, các vấn đề chất vấn được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, có sự lấy ý kiến từ các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các nội dung cử tri và dư luận quan tâm. Không khí tại các phiên chất vấn của Quốc hội đều rất sôi nổi, dân chủ, nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, không ngại va chạm. Người đứng đầu được chất vấn có sự chuẩn bị nghiêm túc, tinh thần cầu thị, nắm chắc vấn đề, trả lời trúng vấn đề, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều nội dung và đưa ra các giải pháp, cam kết cụ thể, rõ ràng trong thời gian sắp tới.

- Các báo cáo trình Quốc hội xem xét hay các báo cáo phục vụ các đoàn giám sát, khảo sát đều được các Bộ, ngành chuẩn bị công phu, đầy đủ, kỹ lưỡng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Tại các phiên thảo luận của Quốc hội về các báo cáo trình Quốc hội xem xét, người đứng đầu các Bộ, ngành đều thực hiện trách nhiệm tiếp thu và giải trình cơ bản đầy đủ, đúng và trúng các vấn đề được nêu ra.

Về cơ bản, hoạt động báo cáo, giải trình của Chính phủ theo yêu cầu của Quốc hội thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, đúng yêu cầu bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội, nhiều vấn đề báo cáo, giải trình chạm tới cốt lõi, căn nguyên làm sáng tỏ vấn đề và góp phần gợi mở nhiều giải pháp hữu hiệu để khắc phục các vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật thời gian sắp tới.

 

2. Những hạn chế, tồn tại

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình của Chính phủ vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định:

- Nhiều báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội chỉ tập trung vào báo cáo các kết quả, thành tích đạt được mà chưa chú trọng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phạm vi nhiệm vụ báo cáo. Đặc biệt, việc chỉ ra các nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế còn e dè, chưa thực sự thẳng thắn, một số nội dung còn chưa chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng ngành mà còn chung chung, thiếu cụ thể.

- Trong hoạt động giải trình tại các phiên họp, phiên chất vấn, đôi khi người giải trình, trả lời vẫn chưa đi thẳng vào nội dung được đưa ra, còn né tránh vấn đề, trả lời chưa trực diện. Về phía các đại biểu, đôi khi các đại biểu chưa thực sự nắm chắc vấn đề, vẫn có sự e dè, nể nang, ngại va chạm nên ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng phiên giải trình, chất vấn.

- Việc thực hiện các giải pháp, cam kết được đưa ra tại các phiên báo cáo, giải trình đôi khi chưa được hiệu quả, toàn diện, triệt để. Tại các phiên chất vấn, phiên giải trình, người giải trình luôn đưa ra những giải pháp, cam kết trong thời gian sắp tới để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết, lời hứa lại chưa được theo dõi, đánh giá; đôi khi, lời hứa, cam kết vẫn chỉ dừng lại ở đó chứ chưa được hiện thực hóa, triển khai bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể để tạo chuyển biến tích cực.

- Tình trạng gửi tài liệu phục vụ các phiên thảo luận các báo cáo, giải trình, chất vấn vẫn chưa được khắc phục. Điều này ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng nghiên cứu tài liệu của các đại biểu, đặc biệt là với khối lượng tài liệu, văn bản đồ sộ cần phải xem xét trong các kỳ họp Quốc hội. Khi đại biểu có ít thời gian nghiên cứu báo cáo, tài liệu thì sẽ dẫn tới việc xem xét các vấn đề chưa thực sự sâu kỹ, dẫn tới hiệu quả của phiên chất vấn, giải trình không thể đạt mức tối đa.

Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và các quy định về hoạt động báo cáo, giải trình trong giám sát nói riêng. Trong đó, để tăng “sức nặng” của hoạt động giám sát, cần nghiên cứu các hệ quả sau giám sát, sau các phiên chất vấn, giải trình. Cần có quy định cụ thể về việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện các cam kết, lời hứa của những người đứng đầu trong các phiên chất vấn, giải trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tái giám sát, tái giải trình đối với những nội dung, giải pháp đã được cam kết thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các hoạt động chất vấn, giải trình; đồng thời tăng cường tổ chức các phiên báo cáo, giải trình thường xuyên và liên tục để nâng cao trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách.

Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng về chất vấn, xem xét báo cáo cho các đại biểu Quốc hội; thực hiện bồi dưỡng, tập huấn tập trung vào các vấn đề lớn, nổi cộm trong từng năm, từng giai đoạn và theo các chương trình, kế hoạch hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ tư, khẳng định hoạt động giám sát, giải trình với mục đích, mục tiêu vì lợi ích chung là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật và gợi mở các giải pháp khắc phục; khuyến khích, đề cao tinh thần cởi mở, xây dựng, cầu thị trong hoạt động giám sát, chất vấn và giải trình.

Thứ năm, tích cực khắc phục, cải thiện tình trạng gửi tài liệu chậm, muộn để các đại biểu có thời gian nghiên cứu sâu kỹ, hiểu rõ và nắm chắc vấn đề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, giải trình./.

      

TS.Nguyễn Thị Việt Nga

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Other news
 
  • Kỳ họp thứ 7
  • Kỳ họp thứ 10
  • Kỳ họp thứ 3
  • Kỳ họp thứ 2
  • Kỳ họp thứ 1