SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI, CẦN TĂNG TÍNH HẤP DẪN CỦA BHXH ĐỂ HẠN CHẾ RÚT BHXH MỘT LẦN

07/08/2023 17:59

Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, dự kiến Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ quy định theo hướng người lao động, sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 1/1/2025, trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu không tìm điểm cân bằng hợp lý giữa mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động và nhu cầu, tâm lý của Người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần; giữa thay đổi chính sách – thay đổi nhận thức - truyền thông, dự luận xã hội… có thể gây ra làn sóng phản đối, phản ứng tiêu cực vấn đề này. Chính vì vậy, sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội cần tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội, để người lao động yên tâm thì việc hạn chế rút BHXH một lần mới đạt kỳ vọng.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN TRÁNH TÌNH TRẠNG Ồ ẠT RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

CẦN GIẢI PHÁP XỬ LÝ HIỆU QUẢ TÌNH TRẠNG RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

Nguyên nhân sâu xa do người lao động khó khăn về kinh tế 

Theo khảo sát của của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về tình hình rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, hầu hết người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đều biết việc làm này là thiệt thòi, nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần bởi lý do kinh tế túng thiếu hay bức bách vì nợ nần.

TS Vũ Minh Tiến,  Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo TS Vũ Minh Tiến,  Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, rút BHXH một lần là một trong những quyền của người tham gia BHXH (tự nguyện, bắt buộc) và từ sau đại dịch Covid 19, tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần gia tăng. Lý giải về nguyên nhân, TS Vũ Minh cho biết, giai đoạn quý IV/2021 đến quý I/2022, cả nước có số người bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ, số người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng khá cao do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong khi, nhiều doanh nghiệp trong nhiều tháng thiếu đơn hàng nên số lao động bị mất việc khó tìm được việc làm mới… Mặt khác, tình hình thị trường lao động Quý I/2023 có một số khởi sắc so với năm 2022, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm đơn hàng, chấm dứt HĐLĐ, nhiều lao động chủ động nghỉ việc vì tiền lương thấp… Đặc biệt là tại các tỉnh trọng điểm công nghiệp phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tình hình có nhiều dấu hiệu tiêu cực hơn cả.

Người lao động đến làm thủ tục tại BHXH ( ảnh minh hoạ)

Theo kết quả điều tra trực tiếp người thực hiện rút BHXH của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, độ tuổi bình quân rút BHXH là 35,7 tuổi; số lần rút BHXH một lần: 80% lần đầu, 18,7% lần thứ 2 và 1,2% lần thứ 3 trở lên... Đáng chú ý, số người rút BHXH không có bằng cấp, chứng chỉ đạo tạo chuyên môn là 50,2%, trong đó tập trung chủ yếu là người lao động làm trong các lĩnh vực may, giầy da, lắp ráp điện tử, xây dựng, giao thông vận tài, khách sạn nhà hàng, du lịch…

Theo ông Vũ Minh Tiến, lý do quyết định rút BHXH một lần cho thấy người lao động quá khó khăn về kinh tế và cần tiền để chi tiêu cho cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, một số người chưa thực sự biết hết lợi ích của việc tham gia BHXH và quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc là khá hạn chế, chỉ đạt 37,8%.  Ông Vũ Minh Tiến nhận định, qua phản ánh của NLĐ và cán bộ BHXH các tỉnh cho thấy, nhiều NLĐ đang và sẽ chấm dứt HĐLĐ để tìm cách rút BHXH trong thời gian tới. Do vậy, dự báo quý I - II/ 2024 sẽ gia tăng số lượng người rút BHXH một lần. Do đó, cần có giải pháp chủ động từ sớm của các cơ quan, tổ chức liên quan.Vì vậy theo TS Vũ Minh Tiến cần nhanh chóng có giải pháp tổng thể trong việc điều chỉnh chính sáchđể xây dựng hệ thống an sinh xã hội lâu dài cho người lao động để hạn chế rút BHXH một lần.

Cần tính toán giảm 'sốc' cho lao động khi hạn chế rút BHXH một lần 

Nếu như trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn người, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn người. Người đứng đầu ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi luật bảo hiểm xã hội, nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần với đối tượng trong độ tuổi lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đã đề xuất thêm phương án để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, có quy định quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Phương án 1, quy định đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH132 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu, hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng thêm 5 quyền lợi. Cụ thể, chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Đối với nhóm 2, với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/1/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, ưu điểm của phương án này là dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Theo dữ liệu thống kê giải quyết thời gian qua (gần 99% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo trường hợp “sau một năm nghỉ việc”, khoảng 67% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thời gian đóng dưới 5 năm), thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, nhưng giảm càng nhiều những năm sau.

Từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với giai đoạn vừa qua; tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp không đủ điều kiện/không có khả năng được hưởng lương hưu hàng tháng. Qua đó, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Trong ngắn hạn, phương án này không không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phải ứng của người lao động hơn.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực, nên đối với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực. Đồng thời, tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực trong việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Còn phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Ưu điểm của phương án này là hài hoà quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống, do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia.

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đây là phương án vừa phúc đáp được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn”, nhưng nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành (hưởng “chạy luật”). Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến rộng rãi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi nhiều ý kiến của chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng khi hạn chế rút BHXH một lần cần có chính sách giảm sốc đi kèm như hạ tỷ lệ hưởng theo lộ trình, tăng quyền lợi cho người ở lại.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn TP HCM

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn TP HCM, nói từ năm 1990, khi BHXH mở rộng ra khối ngoài nhà nước, ông là người đi thu tiền đóng góp của lao động. Lúc đó, quá trình đóng góp được ghi rất rõ ràng "Sổ bảo hiểm tuổi già", lao động mặc định đây là khoản để dành khi không còn sức làm việc. Tuy nhiên, từ năm 1995, quy định cho phép rút một lần đã làm thay đổi suy nghĩ của người lao động, tạo thành thói quen "rút bảo hiểm" nên chặn lại dễ gây phản ứng. Vụ ngừng việc của công nhân Pouyuen năm 2015 phản đối Điều 60 Luật BHXH 2014 là điển hình. Theo ông Triều hạn chế nhận trợ cấp một lần là cần thiết song nên có lộ trình để lao động dần chấp nhận.

Tương tự, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, cho rằng khi rút BHXH một lần, lao động đã chọn trở thành "người nghèo dự bị" bởi rủi ro mất thu nhập, gặp vấn đề về sức khỏe trong tương lai là điều không thể đoán trước. Hạn chế rút BHXH là cần thiết nhưng đi kèm với các rào cản kỹ thuật là tăng cường thêm các quyền lợi ngắn hạn để lao động thấy an tâm. Ông Thành đề xuất trước hết cần kéo dài thời gian chờ để rút BHXH một lần từ 12 lên 24 tháng. Về số tiền đóng vào quỹ hưu trí nên tách hẳn ra khoản đóng góp của chủ doanh nghiệp và người lao động. Về nguyên tắc, khoản đóng góp của doanh nghiệp chiếm 14% mức lương làm căn cứ đóng đã được tính vào giá thành và được xã hội chi trả thông qua tiêu dùng.Do đó, dù lao động có rút bảo hiểm chỉ nên nhận được phần đóng góp của bản thân 8%, phần của doanh nghiệp cần để lại để sau này chi trả lương hưu cho lao động. Điều này vừa đảm bảo an sinh cho lao động vừa giúp xã hội giảm gánh nặng người già không có lương hưu

Lãnh đạo BHXH Đồng Nai cũng cho rằng khi các giải pháp hạn chế rút bảo hiểm một lần được đưa ra "chắc chắn sẽ có phản ứng". Vì vậy tăng quyền lợi cho lao động là điều bắt buộc phải tính đến để họ thấy ở lại có lợi. Đơn cử khi lao động thất nghiệp, mức trợ cấp trong 6 tháng đầu nên tăng từ 60 lên 100% mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm, giúp người mất việc đảm bảo thu nhập, vượt qua khó khăn ban đầu. Việc này để thúc đẩy họ quay lại thị trường lao động để tiếp tục tham gia bảo hiểm, mức hưởng 6 tháng sau giảm xuống 50%.

Bà Trần Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Tương tự, bà Trần Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM,  Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để tránh phản ứng nên tính đến phương án những lao động đang tham gia bảo hiểm tới thời điểm trước khi luật có hiệu lực sẽ được quyền chọn rút BHXH như hiện tại. Những người tham gia ngay khi luật mới được thực thi, lao động chỉ được rút một phần để trang trải khó khăn, khoản còn lại để đảm bảo hưu trí khi về già.

Cùng với hạn chế số tiền hưởng một lần, bà Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất cần quy định mức sàn đóng bảo hiểm xã hội để từ đó có được mức sàn lương hưu đảm bảo mức sống tối thiểu. Bà Thuý lý giải, nhiều người ở TP HCM về hưu lương 2 triệu đồng trong khi chuẩn nghèo ở thành phố thu nhập phải dưới 3,8 triệu đồng mỗi tháng nên khi so sánh, người lao động sẽ thấy không hấp dẫn. Bà Thúy cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khuyến khích lao động đến tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH, nếu không rút một lần vẫn được giải quyết chế độ hưu trí dựa vào số năm đóng. Tuy nhiên, cùng với đó dự thảo cũng đề xuất hạ tuổi hưởng hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, mức hưởng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng từ nguồn ngân sách, nên quy định này cần xem xét lại.

Hiện Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ này nghiêng về lựa chọn phương án 2. Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều địa phương thì lựa chọn phương án 1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: dễ dàng hơn điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm). Ngoài ra, người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Tình trạng người lao động xếp hàng chờ đợi rút bảo hiểm xã hội một lần tại bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh

Dù chọn phương án nào, thì giới chuyên gia vẫn cho rằng, việc thay đổi theo hướng hạn chế, thu hẹp điều kiện, trường hợp rút BHXH một lần; cũng như “giảm” mức hưởng khi ngừoi lao động rút BHXH một lần… phải hết sức thận trọng. Nếu không tìm điểm cân bằng hợp lý giữa mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho Người lao động, nhu cầu, tâm lý của NLĐ có nhu cầu rút BHXH một lần; giữa thay đổi chính sách, thay đổi nhận thức, truyền thông, dự luận xã hội… có thể gây ra làn sóng phản đối, phản ứng tiêu cực vấn đề này.

Hải Yến