ÁP DỤNG THỦ TỤC RÚT GỌN ĐỂ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ SẼ BẢO VỆ TỐT HƠN QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

16/02/2023 17:20

Nên hay không nên quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)? Đây là một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu ra xin ý kiến tại Phiên họp thứ 20 ủa Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

TỔNG THUẬT SÁNG 15/02: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU DỰ ÁN LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 20.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin ý kiến về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V). Cụ thể, về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn có 02 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật. Do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất 02 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1: kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về BVQLNTD; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật.

Phương án 2: Không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về BVQLNTD trong dự thảo Luật.

Cho ý kiến về các thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định trong luật về thủ tục rút gọn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng ủng hộ Phương án 1 quy định về thủ tục rút gọn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các vụ án đơn giản và có giá trị nhỏ. Đây là quy định kế thừa quy định của luật hiện hành, luật hiện hành cũng có quy định về áp dụng thủ tục rút gọn riêng cho các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đơn giản, kế thừa nhưng có điều chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Phân tích về sự cần thiết quy định áp dụng thủ tục rút gọn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong thực tế những vụ việc tranh chấp nhỏ xảy ra rất thường xuyên, rất nhiều, nếu chúng ta không quy định thủ tục rút gọn thì khi tranh chấp đến tòa án giải quyết theo thủ tục thông thường, vụ việc giá trị không cao, không lớn sẽ gây rất nhiều phiền toái cho cá nhân, tổ chức kinh doanh, cả người tiêu dùng và tòa án. Tuy nhiên, cần làm rõ nguyên nhân tại sao thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành từ trước đến nay chưa được áp dụng bao giờ. Luật có quy định, thực tiễn có vấn đề, nhưng trong thực tế lại không áp dụng, do tòa án không áp dụng hay quy định của luật hiện hành không phù hợp? Hơn nữa, cũng cần rà soát quy định trong phương án 1, bởi vẫn có những quy định chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành nêu rõ: điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, đảm bảo đủ căn cứ để giải quyết vụ án mà tòa án không phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ và nơi cư trú rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận, đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ và quyền sở hữu hợp pháp tài sản có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Đối với nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình quy định về thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng cần có quy định riêng đặc thù hơn về thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân tối cao lại không đồng tình áp dụng quy định này. Do vậy, Ban soạn thảo cần làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp để lắng nghe thêm ý kiến về vấn đề này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công Thương và kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong thời gian thực thi Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Tố tụng dân sự hầu như không có vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, mặc dù thời gian qua không có vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn, nhưng số vụ việc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới dự báo sẽ không ít. Trong khi các vụ tranh chấp này không chỉ tác động đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn tác động đến thương hiệu hàng hóa của tổ chức và các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, sản phẩm.

“Có thể người tiêu dùng khiếu kiện nhưng không đúng, trong trường hợp đó tòa có phán quyết nhanh và kịp thời theo quy trình, thủ tục rút gọn. Nếu người tiêu dùng đúng thì bảo vệ cho người tiêu dùng, còn doanh nghiệp đúng thì bảo vệ cho doanh nghiệp giữ uy tín hơn về hàng hóa sản phẩm, dịch vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Cho ý kiến về quy định này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để đảm bảo tính thống nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo thống nhất với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành; có thể quy định cụ thể thêm hoặc giao cho Tòa án tối cao hướng dẫn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Các đồng chí nhớ lại Luật Tần số vô tuyến điện có những quy định từ khi ban hành luật đến giờ mình không thực hiện, không phải là không phát sinh trong thực tiễn hoặc là không cần thiết nhưng mình không làm, bây giờ lại bảo từ ngày phát sinh đến giờ không có hoặc ít, bây giờ luật để bỏ qua không quy định nội dung này”.

Qua thực tế tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong việc áp dụng các hình thức giải quyết tranh chấp để đảm bảo tính khả thi.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình nêu thực trạng nhiều trường hợp vì hành vi vi phạm gây thiệt hại không đáng kể hoặc giá trị sản phẩm hàng hóa nhỏ nên việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện. Quy định về quy trình tố tụng trong việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn phức tạp, kéo dài nên thực tế mặc dù người tiêu dùng biết bị vi phạm nhưng cũng không muốn theo đuổi vụ kiện tụng kéo dài, gây mệt mỏi. Vì vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. 

Ngoài ra, để các quy định có tính khả thi trên thực tế, cần quy định áp dụng ngắn gọn như việc hòa giải thực hiện tại đâu, tổ chức hòa giải tiến hành hòa giải trong bao lâu và vụ kiện giải quyết tranh chấp liên quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần rút gọn nhất có thể, Luật sư Trịnh Cẩm Bình đề xuất.

Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) nêu các hình thức giải quyết tranh chấp: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án là cần thiết để nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Nếu như Luật hiện hành chỉ quy định: Không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của nhiều người, thì Điều 53 của Dự thảo đã mở ra quy định chính xác, hợp lý hơn, đó là “trừ trường hợp xác định được số người cụ thể” trong trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người.

Dự thảo Luật cũng ghi nhận ngoài hình thức trực tiếp, thì còn được giải quyết tranh chấp theo hình thức trực tuyến hoặc các hình thức khác. Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trên là hợp lý, giải quyết được vướng mắc và đòi hỏi thực tế hiện nay. Đặc biệt, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra quy định mới đối với các trường hợp giải quyết theo thủ tục rút gọn là rất hợp lý./.

Lan Hương